Đừng bỏ quên bản thân trên hành trình trưởng thành

(CTG) Mạng xã hội, công nghệ phát triển mạnh mẽ có làm nhiều người trẻ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần trên hành trình trưởng thành?

 
Ra mắt sách, lập kênh mạng xã hội là cách chị Minh Trang làm với mong muốn được đồng hành cùng các bạn trẻ trong hành trình học cách lớn lên - Ảnh: NVCC
 

Ra mắt sách, lập kênh mạng xã hội là cách chị Minh Trang làm với mong muốn được đồng hành cùng các bạn trẻ trong hành trình học cách lớn lên 

Trưởng thành từ những áp lực

Chìm trong suy nghĩ tiêu cực, khủng hoảng tuổi đôi mươi, áp lực đồng trang lứa... là những vấn đề chị Nguyễn Minh Trang (27 tuổi) - tác giả sách Mỗi ngày gửi cậu một cái ôm, chủ kênh Instagram grow.positive.thoughts.24 - từng gặp phải.

Những vấn đề gặp phải cùng trải nghiệm, chiêm nghiệm rút ra từ cuộc sống là chất liệu làm nên những nội dung tích cực chị Trang muốn lan tỏa đến các bạn trẻ.

Với chị, cả thành tựu lẫn áp lực đều mang giá trị đóng góp cho hành trình trưởng thành của mỗi người.

"Ai cũng có những vấn đề của riêng mình và chắc phải như thế mới lớn lên được. Mình từng bước tìm cách giải quyết, khai thác những ưu điểm và thử sức trong những môi trường mới để hiểu hơn về chính mình", chị Trang chia sẻ.

Với kênh Instagram của mình, chị Trang hy vọng ở đó các bạn có thể thoải mái trải lòng tâm sự. Đồng thời đón nhận thêm thông tin, tư duy tích cực và từng chút hoàn thiện bản thân qua từng ngày.

Tương tự, với quyển sách đầu tay nói trên, chị Trang mong được cùng người trẻ học cách lớn lên. Và trong những lúc chênh vênh nhất sẽ được cổ vũ, động viên bằng "một cái ôm" nhẹ nhàng nhưng đầy thấu cảm.

 

Bạn Hà Đào, sinh viên năm 3 khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NVCC

 Bạn Hà Đào, sinh viên năm 3 khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) 

Kết nối với bản thân nhiều hơn

Đối diện áp lực tinh thần, nhiều bạn trẻ chọn cách trốn chạy, phủ nhận, có người lại không để tâm tới nguyên nhân của vấn đề. Vì thế học cách gọi tên cảm xúc cũng là điều cần thiết.

"Chúng ta nên dành thời gian nói chuyện với bản thân nhiều hơn để xác định cảm xúc của mình. Cũng phải học cách chấp nhận, tìm hiểu nguyên nhân và từng bước giải quyết vấn đề mình gặp phải", chị Trang nói.

Bạn Hà Đào - sinh viên năm 3 khoa báo chí và truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nói bản thân thường xuyên đối diện với áp lực đồng trang lứa.

Đó là khi thấy bạn bè gấp rút tìm công việc thực tập, tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn. Thêm nữa, những kỳ vọng từ bản thân cũng khiến bạn gặp không ít căng thẳng.

Khi đó, Hà Đào đã dành thời gian cho chính mình nhiều hơn. Tập trung vào những mục tiêu đã đề ra, học cách trò chuyện với bản thân để hiểu về cảm xúc, nhận ra điều mình cần và mong muốn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - ẢNH: NVCC

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết những áp lực gen Z trải qua không được biểu hiện rõ ràng ở các thế hệ trước.

Người trẻ hiện nay gặp nhiều vấn đề về tinh thần như sự kỳ vọng của bản thân, áp lực đồng trang lứa, FOMO (Fear of Missing Out - hội chứng sợ bị bỏ lỡ)…

Biến động của thế giới cùng sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông có thể là nguyên nhân khiến gen Z dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và dễ mất kết nối với bản thân.

"Các bạn cần kết nối với chính mình nhiều hơn, dành thời gian nói chuyện với bản thân, viết nhật ký, tránh xa điện thoại, Internet. Đó là những cách cơ bản để đối mặt và từng bước vượt qua áp lực", thạc sĩ Ngọc Vui gợi ý.

 Theo TT