Đừng để thói xấu phát triển trong thế giới tuổi dậy thì

(CTG) Hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng sống theo “tâm lý đám đông” hay nói cách khác là “hội chứng đám đông”. Điều này không những làm tổn thương người khác mà khiến cho chính bản thân người trẻ phát triển lệch hướng.

 

Khủng hoảng vì bị cô lập

Trần Minh Quang hiện đang là học sinh lớp 8 của một trường THCS tại quận Long Biên, chia sẻ: “Em nhìn thấy một nhóm bạn trêu, nói bậy và tỏ vẻ khinh thường bác bảo vệ ở trường. Những bạn này còn kỳ thị nghề nghiệp và gọi bác ấy là “thằng”… Em lại gần và nhắc nhở các bạn: Làm vậy là không đúng, dù sao bác ấy đáng tuổi bố mình, nên tôn trọng bác”.

Sau lời nhắc nhở đó, cả nhóm bạn xúm vào mắng mỏ, chửi bới Quang. Quá đáng hơn, các bạn còn kêu gọi cả lớp tẩy chay, thậm chí còn dọa sẽ đưa Quang lên cộng đồng mạng để họ tẩy chay cậu bé.

Nhiều người trẻ sống theo tâm lý đám đông (Ảnh minh hoạ)

Chị Nguyễn Hoàng Quyên, mẹ Quang kể: “Hôm đó, con xin phép đi chơi 1 tiếng sau giờ tan học và yêu cầu mẹ đón muộn. Khi tôi về đón thấy con không đi chơi đâu, vẻ mặt rất ủ rũ và đầy lo lắng. Hỏi thế nào cũng không nói, chỉ một mực yêu cầu mẹ xin phép cô giáo cho nghỉ vì con không muốn đến trường.

Hôm sau đến giờ đi học, con không chịu đi và khóc: “Mẹ không biết bị cộng đồng mạng tẩy chay là gì đâu. mẹ không biết bị bạn bè xa lánh đáng sợ như thế nào đâu!”. Tôi thực sự rất lo lắng, phải chăng ở lớp con đang có hiện tượng tâm lý đám đông, một người đi ngược lại nhóm bạn thì dù đúng hay sai thì cũng bị đẩy ra khỏi dòng chảy chung đó. Nếu cứ để hiện tượng này diễn ra thì nhiều bạn thấy sai mà không dám lên tiếng”.

Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh lớp 10 tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Hầu hết các bạn đều nói bậy, chửi tục. Lớp em, bạn nào cũng thế. Nếu không nói bậy theo nghĩa là một mình em khác biệt, các bạn sẽ không chơi cùn. Vì thế, em cũng nói bậy, chửi tục cho giống các bạn”.

Hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng sống theo “tâm lý đám đông", trong đó có không ít bạn còn đang ngồi ghế nhà trường. Các bạn sẵn sàng hùa theo số đông để “ném đá”, lên án một người mà không nhận định cẩn trọng sự việc đó đúng hay sai.

Sống khác biệt nhưng không khác người

Theo TS Vũ Thu Hương, những vấn đề nêu trên là đặc trưng của tuổi dậy thì. Các con đang ở tuổi teen thường coi trọng bạn bè hơn gia đình, bi kịch hóa cuộc sống của chính mình và nhầm tưởng chơi ngông là bản lĩnh.

Do vậy, các con sẽ đề cao nỗi đau đớn khi bị cô lập hoặc sợ mình không giống như bạn hay sợ trở lên lạc lõng giữa thế giới của chính con.

Vì thế, các con dễ bị chi phối bởi những lý do hết sức nhỏ nhặt. Các con sẽ nhấn mạnh lý do bao biện cho các hành vi xấu của mình. Trong khi đó, nhiều cha mẹ thương và lo sợ con thiệt thòi. Vì thế, phụ huynh dễ bỏ qua những thói hư tật xấu đó với lý do bùi tai mà con đưa ra. Điều này đã tạo điều kiện cho những thói xấu phát triển trong thế giới tuổi dậy thì.

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, những hành động này không đáng lên án mà nên tư vấn cho các phụ huynh cách làm bạn với con để con giảm bớt những hiểu nhầm trên.

“Cha mẹ cần tâm sự, hỗ trợ con, cần thiết cho con nghỉ học vài buổi. Đồng thời, cha mẹ nên động viên con nói ra điều này với tập thể lớp trong buổi hội thảo hoặc sinh hoạt lớp. Các bạn cùng xem xét nghiêm túc vấn đề và phối hợp giải quyết. Người có bản lĩnh sẽ xử lý công việc công khai và khiến mọi người nể phục”, TS Vũ Thu Hương nói.

Chỉ cần một bài đăng lên mạng xã hội, chưa phân biệt đúng sai, nhiều bạn trẻ đã hùa vào lên án một người không quen biết.

Cô Phùng Thị Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2 trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên, cho biết, ở lứa tuổi dậy thì, các con đang phát triển về cả thể chất và tâm lý, luôn đặt cái "tôi" lên cao. Vì thế, tôi thường sát sao từng con và để ý những diễn biến tâm lý của chúng. Để tránh cái “tôi” của các con bị tổn thương, nếu có vấn đề gì, tôi sẽ gọi riêng từng con ra nói chuyện, thủ thỉ, sau đó phân tích cho học sinh hiểu điều gì nên và không nên. Từ đó, các con ổn định tâm lý và sẽ tập trung vào việc học tập”.

Nhiều ý kiến cho rằng, tâm lý đám đông có thiên hướng tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ nên kéo con ra khỏi việc này trước khi trẻ mất phương hướng.

Để làm được điều đó thì phụ huynh nên giám sát, uốn nắn con mỗi ngày. Giám sát không có nghĩa là quản thúc, cấm túc mà cho con tự do giao lưu với bạn bè nhưng phát hiện kịp thời những tình bạn làm con mình đi lệch hướng. Cha mẹ cũng nên khuyên con sống có lập trường riêng, chủ động suy nghĩ để đưa ra quyết định thay vì a dua theo bạn bè.

Đôi khi con cái có những quyết định không sáng suốt nên rất cần cha mẹ điều chỉnh, sai ở đâu thì sửa chỗ đó. Sống khác biệt nhưng không khác người sẽ giúp trẻ năng động, làm chủ bản thân và thành công trong tương lai.

Theo TTTĐ