Duy Tân và tấm bằng tiến sĩ ở Nhật

(CTG) Vừa nhận tấm bằng tiến sĩ ngành mạng máy tính và bảo mật ở Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) vào tháng 3, Duy Tân đang háo hức chờ ngày được về đứng trên bục giảng ở quê hương.

Duy Tân và tấm bằng tiến sĩ ở Nhật - Ảnh 1.
 
Nhật Bản đang vào mùa những cánh anh đào dần bung nở rực rỡ trong nắng vàng tháng 3, hệt như tâm trạng của tiến sĩ 9X Lê Duy Tân thời điểm hiện tại.

Từng ước được ăn... mì gói!

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tại huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), thời thơ ấu của Duy Tân xoay quanh những cánh đồng lúa bạc màu, hiếm khi trúng mùa. 

"Sớm chứng kiến tình hình hạn mặn ngày càng nghiêm trọng ở miền Tây, tôi luôn nuôi trăn trở về giải pháp, và đang nghiên cứu về hệ thống IoT rất có triển vọng phát triển thành các hệ thống hiện đại giúp người nông dân sống chung với hạn mặn", Duy Tân bộc bạch.

Nhớ lại thời gia cảnh khó khăn, mâm cơm thường quanh quẩn con cá câu được và miếng rau, Duy Tân bật cười cho biết có thời ước mơ của bạn là được ăn mì gói vì quá ngán những bữa ăn quen thuộc!

Dẫu cuộc sống còn thiếu thốn, Duy Tân cho biết luôn cảm thấy biết ơn cha mẹ vì hai người luôn tạo điều kiện để bạn theo đuổi con đường học hành. Liên tục là học sinh giỏi nhất lớp và trường xuyên suốt thời phổ thông, bạn sau đó tốt nghiệp loại giỏi (8,53/10) ngành mạng máy tính và truyền thông tại Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM).

Thương cha mẹ là vậy nhưng Duy Tân cho biết có một lần đã "làm mình làm mẩy" với gia đình.

Do phải vất vả mưu sinh và vì con trai cũng có ý thức học tập cao, cha mẹ của Duy Tân ít khi can thiệp vào cuộc sống của bạn. "Cha mẹ tôi cả đời chưa bao giờ đi ra khỏi lũy tre làng nên thường hay lo lắng khi thấy con đi đâu đó xa. Có một lần vào năm lớp 8, tôi xin đi học vi tính buổi tối ở trung tâm văn hóa xã cách nhà 4 cây số và bị hai người phản đối, vì đường quê buổi tối thưa người, chẳng đèn đuốc mà sông ngòi chằng chịt. 

Tôi khóc nức nở, đòi đi học bằng được nên cuối cùng hai người cũng nhượng bộ. Và đó là dịp duy nhất tôi được đi học bằng... xuồng cha lái (do cha của bạn không biết chạy xe máy) thay vì tự đạp xe.

"Sau này tôi luôn tâm niệm nếu có vấn đề gì xảy ra thì mình cũng phải ngồi xuống và nói chuyện với cha mẹ, vì cha mẹ nào chẳng thương con. Chẳng qua khoảng cách thế hệ khiến hai bên không hiểu nhau thôi", Duy Tân chia sẻ về đúc kết của bản thân.

Và có lẽ vì vậy mà ngày bạn thông báo nhận học bổng thạc sĩ du học Nhật Bản, cha mẹ đã gật đầu đầy tin tưởng dù không giấu được vẻ âu lo.

Không ngừng hoàn thiện bản thân

Song song với việc học, Duy Tân cũng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như Chủ nhật xanh, Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh... xuyên suốt thời sinh viên. Bạn thậm chí xung phong làm phó bí thư Đoàn khoa vào năm 4 đại học. 

Ở Nhật, khi vừa qua giai đoạn "chân ướt chân ráo", Duy Tân tiếp tục tham gia các hoạt động cộng đồng như giới thiệu văn hóa và ẩm thực, áo dài Việt Nam, dạy tiếng Anh cho trẻ em Nhật... Tân được hiệu trưởng Trường JAIST trao giải thưởng JAIST President Award trong hai năm 2017 và 2019 vì thành tích cống hiến cộng đồng.

"Do lúc nhỏ chỉ biết học, không dám đi đâu nên tôi khá khờ. Lăn xả vào những hoạt động trên giúp tôi trưởng thành hơn. Trong thời gian học thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật, tôi không ngại đi làm phục vụ ở một nhà hàng sushi băng chuyền. Ngoài việc đảm bảo tài chính, tôi cũng học được rất nhiều từ phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình từ những việc rất nhỏ ở họ", Duy Tân nói.

Hiện đã lấy bằng tiến sĩ và có 7 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, hội thảo chuyên ngành với tư cách tác giả chính, Duy Tân cho biết bạn đang mong muốn sớm được về quê hương để đi theo nghiệp giảng dạy. 

Dù học công nghệ thông tin, Duy Tân luôn muốn làm một việc có thể kết hợp máy tính và con người thay vì 100% ngồi với máy móc, và giảng viên là lựa chọn phù hợp.

Người làm nghiên cứu ai cũng hiểu thất bại là điều không thể tránh được, điều quan trọng là mình rút ra được bài học gì. Người Nhật có câu thành ngữ "Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần", và đó cũng là kim chỉ nam của tôi thời điểm hiện tại.

TS LÊ DUY TÂN

 

"Các nghiên cứu hiện tại của tôi tập trung vào việc mô phỏng, phân tích một cuộc tấn công mạng máy tính vào hệ thống Lưới điện thông minh. An ninh năng lượng điện là yêu cầu thiết yếu đảm bảo sự phát triển của xã hội hiện đại và tương lai.

Lưới điện thông minh cũng là một thành phần rất quan trọng trong xã hội 5.0 của Nhật Bản, xã hội siêu thông minh. Dẫu vậy, càng ngày càng có nhiều cuộc tấn công nhắm vào hệ thống điện, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, sản xuất...", Duy Tân chia sẻ.

Bạn cho biết nghiên cứu của bạn tạo tiền đề, nền tảng để hỗ trợ các nhà nghiên cứu khác tham gia phân tích các cuộc tấn công vào lưới điện thông minh, tìm ra giải pháp phù hợp để bảo vệ hệ thống điện.

Nguồn: TTO