Gen Z lan tỏa giá trị truyền thống

(CTG) Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z đã nỗ lực triển khai các dự án nhằm góp phần bảo tồn và phát triển, lan tỏa những bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

 

Giữ hồn nghệ thuật cải lương

Xuất thân trong gia đình có bố mẹ đều là nghệ sĩ cải lương, Nguyễn Mai Anh (22 tuổi, Hà Nội) đã có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này từ sớm. Mai Anh quyết định cùng một số bạn trẻ lựa chọn cải lương làm chủ đề để thực hiện dự án “Cải Cách Lương Truyền”, với mong muốn các bạn trẻ cảm nhận được vẻ đẹp, nét thi vị của loại hình nghệ thuật sân khấu này.

“Nghệ thuật cải lương mang giá trị truyền thống rất cao, nhưng việc tiếp cận với giới trẻ còn rất hạn chế. Mình muốn đem cải lương đến gần với công chúng, nhất là những bạn trẻ Gen Z”, Mai Anh chia sẻ.

Nhóm của Mai Anh đã kết nối với nhiều nghệ sĩ cải lương để xây dựng những câu chuyện có thể hiểu hơn về chuyện đời, chuyện nghề của họ. Nhóm đã thực hiện bộ ảnh “Ngọc” kết hợp với NSƯT Thuỳ Liên và NSƯT Hồng Hạnh, giúp người trẻ hiểu hơn về hành trình cống hiến và truyền lửa của các thế hệ nghệ sĩ. Cùng đó, đêm nhạc trực tuyến “Giao”, với sự tham gia của NSƯT Mai Lý cùng nghệ sĩ Quang Thuận đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều người trẻ.

Trước khi có được những thành công bước đầu, nhóm của Mai Anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm thông tin. Nghệ thuật cải lương đã có hơn 100 năm nay và rất nhiều nguồn tư liệu bị thất lạc. Do đó, nhóm phải kiểm chứng rất nhiều thông tin để phổ biến đến công chúng.

Dự án “Cải Cách Lương Truyền” nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu mến cải lương và giới nghệ sĩ. Nhiều nhà biên kịch cũng như những đạo diễn trẻ về cải lương đã liên hệ với nhóm. Đặc biệt, soạn giả trẻ Nguyễn Ngọc Trung Hiếu (SN 2000) đã hỗ trợ và giúp các thành viên hiểu thêm một góc nhìn mới mẻ của những bạn trẻ về cải lương.

“Nhóm có thêm động lực và nguồn cảm ứng từ những cô chú, những người yêu cải lương. Bọn em học được rất nhiều điều từ tình yêu, sự chăm chỉ, cống hiến âm thầm của họ. Có rất nhiều bạn trẻ, những lớp diễn viên bằng tuổi bọn em, họ rất kiên trì trau dồi bản thân để trở thành một nghệ sĩ thực thụ và đem nghệ thuật cải lương đến gần hơn với cả tất cả mọi người", Mai Anh chia sẻ.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa từ cổ phục, tò he

Ngày càng có nhiều dự án do các bạn trẻ lập ra nhằm tôn vinh những nét đẹp của cổ phục Việt như: Nam Triều Y Trang Viện, Tấc Xen hay Ngàn Năm Một Sắc. Các dự án nhận được một lượng lớn bạn trẻ quan tâm bởi vẻ đẹp cũng như những giá trị văn hóa được lưu giữ, thông qua những bộ trang phục mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

“Mình cố gắng tận dụng sức mạnh của truyền thông để làm một điều gì đó cho cải lương. Nói cách khác là mình muốn đem cải lương đến gần với công chúng, nhất là những bạn trẻ thế hệ gen Z”.

Nguyễn Mai Anh (22 tuổi, ở Hà Nội)

Đoàn Nguyễn Mai Phương (21 tuổi), trưởng dự án Ngàn Năm Một Sắc cho biết: “Ngay khi bắt đầu thực hiện dự án phi lợi nhuận, nhóm phân vân giữa vô vàn chủ đề. Nhưng thật may mắn, một bạn trong nhóm có hiểu biết về cổ phục, đã truyền cho bọn em sự hứng thú với chủ đề này. Khi thực sự tìm hiểu sâu để quyết định lựa chọn, bọn em cảm thấy đây là một chủ đề cần được quan tâm và truyền bá rộng rãi hơn".

Trong quá trình phát triển dự án, nhóm liên hệ với các đơn vị kinh doanh cổ phục, nhằm có thêm thông tin, kiến thức để phát triển nội dung truyền thông. Nhóm đã thực hiện một số sản phẩm như bộ ảnh, phim ngắn để mọi người có cái nhìn chân thực nhất về cổ phục. “Các thành viên học hỏi được rất nhiều điều từ cách nhuộm vải, cắt may cho đến thêu dệt hoa văn từ các loại cổ phục”, Phương nói.

Nhóm các bạn sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại có quyết định thực hiện dự án phát triển, lan tỏa trò chơi dân gian tò he. Nhóm tổ chức thành công sự kiện “Nặn tò he - Nghe kể chuyện”, kết hợp cùng nghệ nhân Đặng Văn Tẫn và Đặng Văn Khương với sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ.

Bạn Bùi Thu Ngân (Trưởng dự án) cho biết, để hiểu sâu sắc về tò he, các thành viên đã trực tiếp đến thôn Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - cái nôi của loại hình này để tìm hiểu thông tin, ghi hình và gặp gỡ các nghệ nhân ở đây. Xuyên suốt quá trình triển khai dự án, nhóm luôn truyền tải các bài viết truyền thông ngắn gọn, kết hợp các hình ảnh và video để mang đến những kiến thức về tò he một cách sinh động nhất.

Theo TP