Tác giả của các bức tranh này chính là học sinh. Ảnh: Vinschool Central Park |
Những yếu tố thu hút
Với số tiền bằng cốc trà sữa hay miễn phí, các bạn sẽ được khám phá không gian nghệ thuật và thưởng thức những tác phẩm ấn tượng. Đây cũng trở thành nơi để các bạn tìm hiểu, cảm nhận nghệ thuật, thư giãn. Vừa trở về sau một buổi dạo quanh triển lãm Nhóm 5+ tại Hội Mỹ Thuật TP.HCM, Vũ Như Mai (TP.HCM) cho biết: “Triển lãm này cho mình nhiều sự ấn tượng về tranh trừu tượng, nhất là khi ngẫm nghĩ về tầng nghĩa của mỗi bức tranh. Mình đi cùng với bạn, cả nhóm cùng đứng bàn luận sôi nổi!”.
Triển lãm còn được các cặp đôi hẹn hò, cùng trò chuyện về nghệ thuật. Bạn Hứa Minh Đạt (Quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Triển lãm là một nơi tạo sự mới mẻ cho cả hai. Chúng mình sẽ có chủ đề để thảo luận, qua đó hiểu về bạn mình hơn”.
Không chỉ là nơi trưng bày các triển lãm còn được xây dựng và trang trí tạo không gian “sống ảo” cho bạn trẻ. Mở cổng miễn phí, Vết căn nguyên tại Mây Artspace (Q.3, TP.HCM) được nhiều bạn yêu cái đẹp đến tham quan, chụp ảnh. Bạn Trần Nguyễn Phi Vân (TP.Thủ Đức) cho biết: “Với mình, không gian có ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm và cảm hứng xem tranh. Khi bước vào Mây Artspace, mình đã đắm chìm ngay vào không gian nghệ thuật bởi sự ấm cúng mà nơi đây mang lại”.
Bằng những cách này, các triển lãm nghệ thuật đã mang Gen Z vào hành trình đến gần hơn với văn hoá cộng đồng, thế giới. “Các bạn trẻ đã làm truyền thông rất tốt cho triển lãm, giúp tên tuổi và tác phẩm của họa sĩ được nhiều người biết đến hơn. Trước đây triển lãm khá xa lạ mình, nhờ các bài đăng trên mạng xã hội, mình thấy nó phổ biến, gần gũi hơn”, Như Mai nhìn nhận.
Nếu quán cà phê, tiệm trà sữa… là nơi quá phổ biến để tìm thấy những gương mặt người trẻ thì bây giờ còn có thể bắt gặp họ ở các buổi triển lãm, cắm cúi ghi chép, chuyện trò hỏi han và cả chụp ảnh checkin. |
Quan tâm đến giá trị nghệ thuật
Khác với suy nghĩ cho rằng giới trẻ chỉ đến triển lãm chụp hình để “sống ảo”, thực tế Gen Z còn học được kiến thức về những lĩnh vực mới, hiểu biết thêm về văn hoá nghệ thuật.
Khi môi trường đang trở thành mối quan tâm của bạn trẻ hiện nay, bên cạnh những hoạt động tái chế, gây quỹ vì thiên nhiên thì triển lãm cũng là cách mà những tác giả trẻ đại diện cho Gen Z lan tỏa thông điệp nhân văn đến cộng đồng. Triển lãm ảnh Đêm trong rừng ngập mặn (Midnight in the mangroves) tổ chức tại Nam Thi House (Q.1, TP.HCM) là trăn trở về suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Nhiếp ảnh gia Chiron Duong, tác giả bộ ảnh chia sẻ: “Thông tin biến đổi khí hậu đến với người trẻ thường chỉ nổi lên nhất thời như hạt cát giữa sa mạc. Chúng ta đang đối mặt với diện tích rừng ngập mặn trên thế giới giảm 20-35%, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng. Với mong muốn nối tiếp đồ án cá nhân, tôi cho rằng đây cũng là cơ hội chia sẻ những vấn đề về rừng ngập mặn đến các bạn trẻ”.
Khi triển lãm được tổ chức ngày càng nhiều cũng là cơ hội vàng cho sinh viên tìm hiểu thêm về chuyên ngành mình đang học. Bạn Nhã Thanh (ĐH Kiến Trúc TP.HCM) cho biết: “Mình đi xem các triển lãm đồ án của anh chị, thầy cô ở trường để học hỏi, tham khảo. Còn đối với các triển lãm khác, mình đi chủ yếu xem về chất liệu, xem triển lãm tranh sơn mài, tranh lụa để tham khảo cách các hoạ sĩ vẽ đường nét như thế nào”.
Không phải Gen Z nào đi triển lãm cũng chỉ để sống ảo. Ảnh: Nam Thi House |
Từ người thưởng thức thành người tổ chức
Từ người thưởng thức, Gen Z còn tự tổ chức triển lãm mang góc nhìn cá nhân. Một trong số đó là triển lãm tranh The Counterfeits do học sinh trường Vinschool Central Park tổ chức. Lấy cảm hứng từ định kiến về những học sinh ngành sáng tạo, thường bị xem như “nghệ sĩ một nửa”, “bán chuyên”, The Counterfeits là nơi cho các bạn được bày tỏ xúc cảm và tiếng nói người làm nghệ thuật thực thụ thông qua sáng tạo.
Bạn Trần Khánh An (Trường Vinschool Central Park, thành viên ban tổ chức triển lãm) tâm sự: “Việc trưng bày tác phẩm, đối với mình giống như việc công khai phần kín đáo của bản thân ra trước công chúng. Do đó, mình càng thêm khâm phục những nghệ sĩ khi họ tin tưởng và tự nguyện trao “đứa con tinh thần” cho ban tổ chức. Khánh An chia sẻ, nhờ tham gia vào khâu chuẩn bị, bày tranh mà cô bạn đã yêu thêm triển lãm nghệ thuật.
Như Mai nhận thấy các triển lãm đang ngày càng tập trung vào các giá trị tâm lý, tinh thần, điều mà Gen Z rất quan tâm. Ảnh: NVCC |
Khi được hỏi liệu rằng giới trẻ có phải chỉ đi triển lãm để “sống ảo”, Như Mai nói rằng: “Quan điểm của tụi mình khi đi triển lãm luôn là ngắm sản phẩm trước, chiêm nghiệm ý nghĩa, rồi thích chụp ảnh thì chụp sau. Cái chúng mình cần là nhìn nhận và hiểu được ý nghĩa của mỗi bức tranh, bộ ảnh và đúc rút được nhiều điều hay”. |
Gen Z đã rất thành công trong việc đi đầu xu hướng tiếp cận văn hoá, nghệ thuật. Những tinh thần trẻ ấy đã được thể hiện trong từng tác phẩm được các bạn tự tay làm. Triển lãm Lặng tại Ngõ Art Gallery (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức), nơi trình bày những sản phẩm đạt giải trong cuộc thi cùng tên, thuộc dự án phi lợi nhuận “Tôi, chúng ta” do nhóm học sinh THPT tại TP.HCM thành lập. “Tôi, chúng ta” truyền đi triết lý bạn là ai, cảm xúc như thế nào thì vẫn luôn cần một chỗ dựa tinh thần, một người bạn cùng trò chuyện về những thứ trên trời dưới đất. Vì vậy hầu hết các tác phẩm đều xoay quanh chủ đề sức khoẻ tinh thần, gia đình, bình đẳng giới...
Bạn Minh Anh, đồng sáng lập dự án (trường Quốc tế Anh Quốc TP.HCM) cho biết: “Vì yêu thích nghệ thuật và muốn thử thách bản thân nên chúng mình quyết định dồn mọi thời gian, công sức để thực hiện triển lãm nghệ thuật này. Chúng mình muốn mang những khoảnh khắc đồng cảm đặc biệt đến mọi người”.
Song song với việc trưng bày các tác phẩm, triển lãm Lặng còn có không gian sáng tạo với đa dạng loại hình thể hiện. Khu bưu thiếp là nơi các bạn trẻ được tự do để lại những tâm tư suy nghĩ của mình định nghĩa về hạnh phúc. Ngoài ra, triển lãm còn có khu vực workshop làm hoa giấy, hay một sản phẩm thủ công mang về.
Theo TP