Gen Z 'nhảy việc'

CTG - Không chịu được áp lực, ảo tưởng năng lực… là những cụm từ đánh giá tiêu cực về Gen Z khi họ hay “nhảy việc”. Bỏ qua những đánh giá mang tính quy chụp, nhiều nhân sự trẻ hướng đến sự trải nghiệm trong công việc để nâng cấp kỹ năng, năng lực bản thân.

6 tháng chuyển việc một lần trong… êm đẹp

Phương Anh tốt nghiệp đại học được hơn 2 năm và đang làm việc tại Hi2High Creative. Trước đó, cô đã chuyển việc 4 lần qua nhiều lĩnh vực khác nhau (thời trang, giáo dục, truyền thông).

Cô thừa nhận, bản thân không có định hướng từ sớm về một ngành nghề ổn định và không có ý định bám lại với ngành học cô đã lựa chọn. Sau quá trình hoạt động ngoại khoá, làm thêm, thực tập, Phương Anh cảm thấy mình có thể làm tốt tất cả mọi việc, nhưng lại không thấy quá hứng thú với bất cứ lĩnh vực nào. Vậy nên, cô muốn dành thời gian để trải nghiệm thêm xem lĩnh vực nào là điều mình quan tâm nhiều nhất và cho cảm giác ổn định.

“Sau nhiều lần chuyển việc, tôi không hề cảm thấy hối hận. Bởi đã rút ra được ưu và nhược điểm của con đường mà mình vừa trải qua, từ đó có những lựa chọn phù hợp hơn cho tương lai”, Phương Anh chia sẻ.

Gen Z 'nhảy việc' ảnh 1

Nhân sự Gen Z có cá tính mạnh mẽ, ưa thích sự trải nghiệm. Ảnh: Châu Linh

Trong thời gian làm việc, Phương Anh luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Vì thế, cô có chút tự hào khi chia tay các công ty trong êm đẹp và đều được đồng nghiệp cũ hỗ trợ trong công việc mới. Để không bị nghi ngờ về năng lực làm việc khi ứng tuyển một vị trí mới, cô chỉ lựa chọn “nhảy việc” trong một nhịp độ đủ an toàn, không phải kiểu làm được 2-3 ngày rồi “cắp máy tính biến mất”.

“Tôi quan niệm rằng, dù đây không phải là nghề nghiệp hay con đường quá sát với dự định, nhưng sẽ luôn học được thật nhiều điều nếu đào đủ sâu trong một công việc. Có thể những việc đang làm không liên quan tới nguyện vọng sau này, nhưng tôi sẽ rèn luyện thái độ làm việc hay những kỹ năng mềm cần có”, Phương Anh chia sẻ.

Nhảy việc để khởi nghiệp

Sinh năm 1995 (thuộc đời đầu thế hệ Gen Z), là người sáng lập của một công ty truyền thông, Trần Thị Hà Thu thừa nhận, cô từng chuyển việc 3-4 lần. Đầu tiên là công việc quản lý ở Úc, sau đó phát triển chiến lược cho công ty truyền thông, cuối cùng là phát triển kinh doanh của một công ty giải trí.

Bắt đầu làm thêm từ khi học đại học năm thứ 2, Thu nhận ra cần phải thử thách bản thân và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều công việc khác nhau. “Mình thường coi trọng kết quả và muốn làm việc có tính linh hoạt. Vì vậy, khi ở bất kỳ môi trường làm việc nào, mình cũng luôn đặt mục tiêu hoàn thành công việc theo tỉ lệ 10/5, tức là đặt năng suất làm việc nhiều hơn gấp đôi so với quy định và chế độ. Chính vì vậy, nhảy việc với mình là tích lũy và học hỏi kinh nghiệm, để bắt đầu khởi nghiệp và vạch ra kế hoạch, lộ trình theo đuổi đam mê một cách thực tế hơn”, nữ CEO trẻ chia sẻ.

Sau khi làm chủ một công ty riêng, Thu đã đưa ra tiêu chí tuyển dụng riêng với những ứng viên trẻ đã từng chuyển việc nhiều lần, đó là khả năng thích ứng nhanh chóng và tìm kiếm thử thách mới.

“Mình hiểu rằng, thế hệ trẻ hiện nay có xu hướng tìm kiếm nhiều trải nghiệm khác nhau để phát triển bản thân, tuy nhiên, công ty cũng quan tâm đến sự ổn định và cam kết của ứng viên. Công ty phải có trách nhiệm tìm hiểu đúng cái họ cần và hai bên cùng có lợi ích”, Thu nói.

Thế hệ “kén” việc

Nhận định về trào lưu “nhảy việc” của Gen Z, anh Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Conversion Asia cho rằng, chuyển việc không phải là đặc trưng của riêng Gen Z. Những người thuộc thế hệ trước Gen Z cũng từng được gọi là thế hệ nhảy việc. Việc thay đổi công việc thường xuyên, thời gian làm tại mỗi công ty ngắn, là một xu hướng mang tính thời cuộc và diễn ra ở mọi thế hệ, trong đó Gen Z chuyển việc có phần chóng vánh, mơ hồ hơn nên đã bị “để ý” và thu hút nhiều bàn luận.

Anh Tú lý giải, các bạn Gen Z được sinh ra trong điều kiện không phải đối diện với sự thiếu thốn về vật chất và khó khăn trong kinh tế so với các thế hệ trước đó. Do đó, việc ổn định về tài chính và kinh tế phần nào đó không phải là yếu tố hệ trọng như các thế hệ trước. Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều công việc có thể làm từ xa, làm freelance theo dự án, làm bán thời gian nên bạn trẻ có nhiều lựa chọn hơn về thứ gì phù hợp với mình. Đặc biệt, họ ưu tiên sự hài lòng trong công việc và cơ hội để phát triển, học hỏi cũng như cân bằng cuộc sống. Các công việc không đáp ứng được về mặt giá trị, cơ hội phát triển và cân bằng thì sẽ không “giữ chân” họ được lâu.

Trước xu hướng nhảy việc của Gen Z, với kinh nghiệm từng quản lý nhiều nhân sự trẻ, anh Tú gợi ý, các công ty cần linh động hơn trong công việc về thời gian và cách thức làm việc, có thể giúp Gen Z thấy sự cân bằng được đáp ứng.

“Gen Z rất đề cao khía cạnh giá trị nên cần lồng ghép giá trị rõ ràng vào các công việc. Họ sẽ cảm thấy mất động lực nếu không hiểu công việc đang làm có đóng góp gì ở bình diện chung”, anh Tú gợi ý.