Không chỉ dừng lại ở năng lực chuyên môn, mỗi người cần chú ý từ cách ứng xử, thể hiện bản thân, đến loại thực phẩm mà họ ăn vào bữa trưa ngay tại văn phòng. Đây đều những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến con đường phát triển sự nghiệp.
Cần tự trau dồi về quy tắc ứng xử nơi công sở
Trang Business Insider dẫn lại những chia sẻ từ Myka Meier, người sáng lập Beaumont Etiquette, nơi cung cấp các khóa học về nghi thức kinh doanh cho các công ty và cá nhân.
Meier đã liệt kê những lỗi ứng xử phổ biến mà mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ gen Z thường mắc phải tại nơi làm việc.
Những người lao động thuộc nhóm gen Z mới bước chân vào nơi làm việc vẫn đang ở quá trình tìm hiểu các nghi thức bên trong và bên ngoài văn phòng, đặc biệt là sau khi trải qua khoảng thời gian học trực tuyến do dịch COVID-19, một hình thức vốn ít đòi hỏi kỹ năng tương tác.
Nhiều người trẻ gen Z đã bị các đồng nghiệp lớn tuổi chỉ trích vì ăn mặc không phù hợp trong công việc, hoặc quá cởi mở trên mạng xã hội. Meier khuyên những bạn trẻ này nên tự học về các quy tắc ứng xử ở chốn văn phòng bằng cách đọc sách về chủ đề này.
"Tôi lớn lên mà không được dạy phép xã giao. Tôi đã tự giáo dục bản thân khi nhận ra rằng có những vấn đề đòi hỏi các quy tắc ứng xử nhất định, còn tôi thì không biết điều đó và khiến mọi người xung quanh phản ứng tiêu cực với mình", cô kể.
Theo Meier, một số quy tắc nhất định sẽ tồn tại mãi mãi, bất kể giai đoạn nào, bao gồm việc đến sớm trong các cuộc họp, ăn mặc chuyên nghiệp và ăn uống lịch sự. Nhưng nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là thể hiện sự tôn trọng với người khác, cô nói thêm.
"Tất cả đều phụ thuộc vào trí thông minh xã hội (social intelligence - PV). Bạn có thể là người thông minh nhất trong phòng, nhưng nếu trí tuệ cảm xúc của bạn không đạt mức ngang bằng, có lẽ bạn vẫn còn phải học hỏi", Meier lưu ý.
Mời ứng viên đi ăn để kiểm tra cách ứng xử
Nữ chuyên gia đã chia sẻ một câu chuyện nổi tiếng về Walt Bettinger, giám đốc điều hành của Tập đoàn tài chính Charles Schwab (Hoa Kỳ). Ông thường mời các ứng viên phỏng vấn xin việc đi ăn để xem họ thể hiện thế nào tại bàn ăn tối.
"Họ có đối xử tốt với người phục vụ không? Nếu không, đó là cách họ sẽ đối xử với đội nhóm của mình.
Họ có thể ăn đúng cách và tôn trọng những người khác trong bàn không? Đó là cách họ sẽ ăn trước mặt khách hàng. Đó là bài kiểm tra của anh ấy", Meier kể.
Meier cho biết, nhu cầu về các khóa học ứng xử của cô đang ở mức cao nhất mọi thời điểm kể từ khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng vào năm 2020. Việc gián đoạn tại công sở khiến nhiều người quên cách ứng xử trong chốn văn phòng.
Đó không chỉ là những hành vi không phù hợp rõ ràng như ăn bữa trưa có mùi hôi, và ăn mặc quá xuề xòa. Một số công ty lớn, bao gồm KPMG và Deloitte, cho biết những tân binh mới nhất của họ cũng thiếu các kỹ năng mềm quan trọng. Nguyên nhân đến từ việc những người trẻ này đã trải qua thời gian học trực tuyến ở trường đại học.
Các kỹ năng này bao gồm việc gặp khó khăn trong giao tiếp bằng mắt, cộng tác với đồng nghiệp và trình bày trực tiếp.
"Có một số thông lệ và tiêu chuẩn kinh doanh vẫn bất di bất dịch trong một số ngành nhất định. Thế hệ Z sẽ cần phải tuân thủ những tiêu chuẩn đó để thành công trong các lĩnh vực cụ thể", cô nói thêm.