Tại hội nghị mới đây, anh Trương Văn An (ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM) nói cần nhận định rõ hơn về bối cảnh khi giáo dục đại học hiện đang có những chuyển biến rất lớn. Việc các trường thực hiện tự chủ tạo ra nhiều thay đổi, nhất là rút ngắn chương trình đào tạo. Nhiều trường đã có học kỳ III thay vì học kỳ hè, điều này ảnh hưởng trực tiếp việc sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện hè.
"Rất cần có phân tích về thay đổi này để chủ động, thích nghi hơn", anh An nêu.
Chị Huỳnh Mạnh Phương (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng cùng với dự báo tình hình sinh viên trong giai đoạn mới nên có thêm kết luận, rút ra phần việc cần làm để mang lại sự thay đổi, thích ứng.
Ngoài ra, phải tính đến tính thiết thực, hấp dẫn trong các hoạt động Hội. Theo chị Phương, điều này phần nào đảm bảo tính cạnh tranh, sự phát triển bền vững giữa hoạt động Đoàn - Hội với các hoạt động khác trong đời sống.
Anh Huỳnh Tấn Khương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) phân vân khi nhìn lại hệ thống kết quả có 4/11 chỉ tiêu trong hoạt động Hội Sinh viên của TP nhiệm kỳ qua không đạt.
Trong đó có đến hai chỉ tiêu không đạt đều liên quan đến phong trào Sinh viên 5 tốt, nhất là TP.HCM không đạt số lượng "Sinh viên 5 tốt" cấp trung ương như dự kiến. Nguyên nhân không đạt đều được dẫn giải vì... COVID-19.
Tuy nhiên, anh Khương nói nếu phân tích kỹ, số lượng sinh viên không đạt đanh hiệu này cấp trung ương không hẳn chỉ vì ảnh hưởng của đại dịch! Theo anh, đâu đó còn vướng quy định khi tiêu chuẩn "Sinh viên 5 tốt" cấp trung ương đòi hỏi đa phần giấy chứng nhận, bằng khen phải đạt từ cấp huyện hay TP trở lên ký khen.
"Ngay cả khi thực hiện các chiến dịch tình nguyện, hoạt động kết nối, các trường cũng vận động đơn vị, địa phương hỗ trợ việc này nhưng xét khen thưởng những cấp này không dễ. Bài toán này liên quan trực tiếp đến việc chúng ta chưa đạt chỉ tiêu trong quá trình thực hiện, chưa tìm ra lời giải nhưng không thể không giải", anh Khương phát biểu.
Trong khi đó, anh Trương Văn An chỉ ra "sự khác biệt về tư duy xây dựng chỉ tiêu". Anh An nói Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng chỉ tiêu trực tiếp đề cập tới người thụ hưởng là sinh viên, không qua cơ sở Hội, các số liệu luôn đặt ra "bao nhiêu sinh viên thụ hưởng hoạt động này". Tuy nhiên, Hội Sinh viên TP.HCM chỉ tính dừng lại ở "bao nhiêu phần trăm Hội Sinh viên các đơn vị tổ chức hoạt động này".
"Rõ ràng có sự khác biệt, hoạt động tại TP đang thiên về hướng chỉ đạo các đơn vị tổ chức. Trong khi hoạt động của cấp toàn quốc lại tính thiên về người thụ hưởng. Do vậy, khi tính toán các chỉ tiêu, chúng ta cần bổ sung kèm số lượng sinh viên tham gia, thụ hưởng từ các hoạt động là khớp", anh An chia sẻ.
Bổ sung nguồn cán bộ HộiAnh Huỳnh Tấn Đạt (Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc) kiến nghị bổ sung nội dung thu hút nguồn cán bộ từ các tổ chức Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên của Việt Nam ở ngoài nước. "Đây là cách đa dạng hóa thành phần cán bộ, nhất là sử dụng được những cán bộ có kinh nghiệm học tập, làm việc trong môi trường quốc tế" - anh Đạt phân tích. Ngoài ra, anh Đạt cho rằng ngoài chú ý hoạt động nâng cao năng lực tiếng Anh, rất cần quan tâm để có thêm nhiều hoạt động giao lưu cho sinh viên. Theo anh Đạt, đó là cơ hội tốt để các bạn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm học tập, sinh hoạt, văn hóa, đặc biệt là xu hướng việc làm tại các quốc gia sở tại cùng nhau. |
Theo TT