Giải mã gen Z: Để doanh nghiệp thấu hiểu được gen Z

CTG - Gen Z đã và đang dần chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng "rà" cùng "tần số" với gen Z để biết thế hệ này mong gì, cần gì...

Tuyển 30 nhân sự gen Z, chưa được 2 quý đã có 24 nhân sự rời đi

Một khảo sát của PV Thanh Niên thực hiện ở 20 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều lĩnh vực, dịch vụ, như: du lịch, xây dựng, công nghệ thông tin, môi trường, truyền thông, thực phẩm... tại TP.HCM. Kết quả cho thấy gen Z đang là lực lượng lao động chính. Có những công ty, khoảng 60 - 70% nhân sự là gen Z.

Tuy nhiên, anh Lê Hữu Nhật Đăng (34 tuổi), Trưởng phòng nhân sự một công ty lĩnh vực môi trường ở Q.7, TP.HCM, thừa nhận: "Chúng tôi vẫn đang loay hoay trong việc tìm hiểu về tính cách, ước muốn về môi trường làm việc của nhân lực gen Z. Vì chưa thấu hiểu nên rất cần được lắng nghe thế hệ Z nói lên điều họ kỳ vọng".

Giải mã gen Z: Để doanh nghiệp thấu hiểu được gen Z - Ảnh 1.

Tuyển dụng gen Z, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thấu hiểu hết thế hệ năng động này

LÊ THANH

Sở dĩ anh Đăng chia sẻ như vậy, vì trong quý 4/2022, công ty anh nhận hơn 30 nhân sự gen Z. Tuy nhiên, đến nửa quý 1/2023, đã có 24 nhân sự trong số đó rời đi.

"Có người nghỉ việc sau 1 tháng. Có người chia tay công ty sau 2 tháng làm việc. Điều này tạo nên sự xáo trộn nhất định trong việc vận hành công ty. Chúng tôi dù muốn trẻ hóa lực lượng lao động, nhưng lại lực bất tòng tâm trong việc giữ chân gen Z", anh Đăng nói.

Chị Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi), phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cũng ta thán về việc từng vui mừng khi công ty đón khoảng gần 20 nhân viên gen Z.

Với sự năng động, đầy tiềm năng của gen Z, lãnh đạo công ty mường tượng thế hệ này sẽ gắn bó, nỗ lực trong công việc để giúp công ty phát triển vượt bậc. Nhưng trái ngược với dự đoán, chỉ sau một thời gian ngắn, trong số gần 100 nhân sự hiện nay của công ty đã "sạch bóng" gen Z.

"Lãnh đạo công ty khá bàng hoàng khi chẳng hiểu lý do vì sao công ty không thể thu hút nhân viên gen Z. Chúng tôi cũng muốn có những thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng những mong muốn của gen Z, để làm họ hài lòng, nhưng chưa thể làm được", chị Xuân chia sẻ.

Giải mã gen Z: Để doanh nghiệp thấu hiểu được gen Z - Ảnh 2.

Nhiều gen Z nhảy việc, thường xuyên thay đổi công việc vì "vỡ mộng" khi thực tế đi làm khác xa kỳ vọng

 

"Vỡ mộng" khi thực tế khác xa kỳ vọng

Đặng Hữu Phát (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, từng làm việc ở một trong những công ty công nghệ thông tin hàng đầu tại VN, cho biết "đã nghỉ việc sau 3 tháng".

"Công ty đó từng là ước muốn thời sinh viên của mình. Tuy nhiên, khi chạm ngõ công việc, mình không còn thích công ty đó nữa", Phát nói.

Hỏi lý do vì sao "cả thèm chóng chán" như vậy? Phát trả lời: "Vì mình nhận ra không hạnh phúc với môi trường làm việc" và cho biết thêm: "Đó là môi trường làm việc ảm đạm. Thiếu sự tôn trọng. Những vị sếp hà khắc, khó chịu. Đầy rẫy những đồng nghiệp không hòa đồng. Có cả những liên minh bè phái...".

Đó cũng là chia sẻ của rất nhiều gen Z khi nói về lý do sẵn sàng bỏ việc, nhảy việc.

"Mình từng làm ở một thương hiệu đa quốc gia về điện thoại với vị trí quan hệ công chúng. Mức lương mỗi tháng hơn 23 triệu đồng. Đó có thể là con số mơ ước của bất kỳ người trẻ nào. Tuy nhiên, mình nghỉ việc vì không thích môi trường làm việc chèn ép nhân viên. Mình cảm thấy thiếu sự tôn trọng từ những người có vai trò cao hơn. Bên cạnh đó, mình như bị bóc lột sức lao động vì có lúc phải làm đến tận 21 - 22 giờ mà không có thêm tiền công ngoài giờ", Vũ Thị Thu Thủy (25 tuổi), ngụ đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM, kể.

THEO TNO