Làm trái ngành, thử nhiều nghề
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Phương Mai (SN 2001) chọn làm trái ngành vì cảm thấy nghề luật không thực sự phù hợp với tính cách của bản thân. Cô thử việc ở nhiều vị trí, công việc khác nhau, như nhân viên sale của ngân hàng, lễ tân cho trung tâm tiếng Anh… và hiện vẫn rải hồ sơ khắp nơi để tìm việc phù hợp.
Chị Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự Công ty BDC Group (bên phải) phỏng vấn nhân sự trẻ |
Thử việc đến tháng thứ 3 với trợ cấp 500.000 đồng/tháng cùng khoản hoa hồng khi mở được tài khoản, Mai chọn rút lui vì cảm thấy áp lực, thời gian làm việc bị kéo dài hơn so với quy định, cạnh tranh cao, lượng khách hàng không nhiều.
“Mặc dù môi trường trẻ trung, năng động, có thể phát triển nhưng mình không theo được. Hơn nữa, công việc trái ngành yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc, còn mình đột ngột chuyển ngành nên mỗi thứ biết một tí, nhưng lại không biết sâu về một lĩnh vực”, Mai thừa nhận.
“Các bạn trẻ hãy hiểu mình trước và tìm hiểu kỹ về văn hoá công ty, công việc, mục tiêu công việc, tính chất công việc, chế độ phúc lợi… trước khi quyết định thử việc”. Chị Nguyễn Thu Hà -Trưởng phòng Nhân sự Công ty BDC Group |
Chuyển sang làm nhân viên lễ tân tại một trung tâm tiếng Anh (mô hình công ty gia đình), Mai phải thích nghi với những nội quy, quy tắc không hợp lý. Trung tâm bắt nhân viên tham gia buổi đọc sách nhưng phải tự trả tiền nước, tự mua sách, chia tiền thuê địa điểm; bắt nhân viên họp 3 buổi tối/tuần mặc dù lịch làm không có buổi tối, tăng ca không lương… Cuối cùng, Mai tiếp tục rời đi khi chưa hết thời gian thử việc.
Mai cho rằng, nếu cứ ép bản thân phải làm công việc đem lại sự mệt mỏi, hay chịu đựng môi trường không phù hợp chỉ để kiếm tiền nuôi sống bản thân, cô sẽ chọn ít chi tiêu hoặc về quê sống. Khi làm trái ngành, cô chấp nhận bỏ thời gian thử nhiều nghề để tìm ra thứ mình thích dù đó là một điểm trừ trong hồ sơ xin việc.
Chưa sẵn sàng
Thử việc từ vị trí truyền thông nội bộ sang makerting rồi sale, Nguyễn Hữu Bình (tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền) gặp áp lực về thời gian, phải mang việc về nhà làm.
Gửi hồ sơ ứng tuyển vào vị trí truyền thông nội bộ cho một công ty vào cuối năm ngoái, Bình được yêu cầu thử việc 2 tháng, mỗi tháng nhận 3 triệu đồng. Đến tuần thứ hai thử việc, cậu bắt đầu chán nản vì tính chất công việc không như kỳ vọng, phải đối mặt với nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười nơi công sở.
“Mình cảm thấy như đang lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Công việc truyền thông nội bộ không chỉ đơn thuần là việc xử lý thông tin và giao tiếp nội bộ, mà còn phải đối mặt với nhiều khía cạnh khác nhau của công ty như liên kết giữa các bộ phận, giải quyết các xung đột và xử lý thông tin nhạy cảm”, Bình nói.
Chưa sẵn sàng để đối mặt với tất cả những khía cạnh khó khăn của công việc này, Bình đã rút hồ sơ, vội vã thử công việc khác phù hợp hơn. Bình thừa nhận, bản thân chưa đủ đam mê và yêu công việc để chấp nhận những thử thách, khắc nghiệt trong quá trình thử việc nên dễ bị chi phối bởi vẻ bề ngoài “màu hồng” của các công việc khác.
Hiểu mình trước rồi mới thử việc
Chị Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự Công ty BDC Group cho biết, có 3 nguyên nhân chính khiến nhân sự trẻ không dễ vượt qua “cửa ải” thử việc. Đầu tiên, người làm nhân sự trong doanh nghiệp chưa chia sẻ, giải thích hết những khó khăn trong công việc và quá trình thử việc khiến các bạn trẻ dễ bị “ngợp”, bị nản khi vỡ mộng.
Bạn trẻ ngày nay cũng đề cao tới trải nghiệm và môi trường làm việc. Nếu trong quá trình thử việc, môi trường đó xảy ra hiện tượng “ma mới bắt nạt ma cũ”, nhân sự trẻ không được tạo điều kiện để hoà đồng vào môi trường mới hay không được hướng dẫn công việc, phản hồi các thắc mắc khi làm quen… họ sẵn sàng rời đi. Về phía chủ quan, ứng viên trẻ (nhất là sinh viên mới ra trường) chưa xác định được định hướng, lộ trình công việc để vượt qua những thử thách trong giai đoạn thử việc.
Theo chuyên gia tuyển dụng nhân sự, các bạn trẻ nên hạn chế rải hồ sơ xin việc. “Tình trạng này hiện rất phổ biến khi nhiều bạn “lười” tìm hiểu và ứng tuyển một lúc rất nhiều công ty. Điều đó sẽ làm bạn có ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Hiện cộng đồng nhà tuyển dụng đông đảo và có kết nối với nhau để biết được một ngày bạn đã ứng tuyển bao nhiêu nơi”, chị Hà chia sẻ.
Chị Hà khuyến cáo, bạn trẻ hãy hiểu mình trước và tìm hiểu kỹ về văn hoá công ty, công việc, mục tiêu công việc, tính chất công việc, chế độ phúc lợi… trước khi quyết định thử việc. Về phía doanh nghiệp, chị Hà cho rằng, cần truyền thông để mỗi quản lý, mỗi nhân sự trong công ty đều nắm được tầm quan trọng của việc tạo trải nghiệm tốt và hỗ trợ nhân sự thử việc.
Đặc biệt, cần xây dựng quy trình với đầy đủ các điểm chạm, sao cho mỗi điểm chạm giúp nhân sự trẻ có những trải nghiệm tốt nhất và phù hợp với doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty nên sắp xếp thêm người bạn đồng hành với nhân sự thử việc để hỗ trợ, tránh tình trạng “bơ vơ” trong môi trường mới.
Theo Tiền Phong |