Trong hai ngày 28 - 29/10, tại TPHCM, 37 dự án đến từ 25 tỉnh, thành tranh tài vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Vượt qua các thí sinh, dự án Kết nối con người với tự nhiên của nhóm bạn Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na đã xuất sắc giành giải nhất.
Dự án khởi nghiệp từ xơ mướp của nhóm bạn Đỗ Đăng Khoa giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Xanh 2023. |
Theo anh Đăng Khoa, từ xa xưa, ông bà đã dùng các bộ phận của trái mướp già để khô hay còn gọi là “xơ mướp” để tắm và rửa chén bát… Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, ngành công nghiệp phát triển, các sản phẩm tương tự được tạo ra từ nhựa PP hay PE đã dần thay thế, tạo ra rác thải nhựa tác động đến môi trường. Từ đó, anh Khoa muốn khởi nghiệp với “đồ bỏ đi” là xơ mướp nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi làm sản phẩm thành công, có thị trường trong và ngoài nước, anh Khoa còn liên kết với nhiều nông dân trồng mướp lấy xơ, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
|
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ vùng cao dự thi khởi nghiệp. |
Không giấu được niềm vui khi giành giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp, chị Dương Thị Hồng Chuyên - chủ dự án phát triển lạp xưởng cá lóc của tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, đây chính là động lực để chị tiếp tục giấc mơ khởi nghiệp của mình.
Chị Chuyên cho biết, sản phẩm được phát triển từ tài nguyên bản địa và có nguồn cung nguyên vật liệu dồi dào tại quê hương. So với với những loại lạp xưởng được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm..., lạp xưởng cá lóc có lợi thế vì thuộc nhóm thực phẩm có nguồn nguyên liệu xuất xứ tự nhiên và tốt cho sức khỏe, nhất là những người có chỉ định hạn chế dầu, mỡ.
Đặc biệt, nhiều bạn trẻ vùng cao đã đem những đặc sản, ước vọng bảo tồn tài nguyên bản địa làm ý tưởng khởi nghiệp cũng đạt giải cao như dự án Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pắc Nậm (Bắc Kạn) của Cà Thị Bày; dự án Chế biến heo dẻo mác mật (Lạng Sơn) của Lăng Thị Thơ...
Dự án của nhóm bạn người dân tộc Cill (Lâm Đồng) được đánh giá cao. |
Trong số những dự án tranh tài tại vòng chung kết, có không ít dự án của các nữ doanh nhân trẻ, như: "Nhang sạch thảo mộc - tận dụng nâng cao giá trị nguồn dược liệu của bản địa" của Lê Thị Cẩm Vân (Đồng Nai), dự án "Cacao Mekong phát triển tài nguyên bản địa, chung tay vì sức khỏe cộng đồng" của Đoàn Thị Tuyết Nhung (Trà Vinh), dự án "Chế biến các sản phẩm từ cây măng tây theo mô hình liên kết chuỗi bền vững tại vùng ngập lụt Gò nổi - Quảng Nam" của Đỗ Thị Phương Đông (Quảng Nam), dự án "Chế biến trà lam gác bếp từ chè shan tuyết" của Đặng Thị Dất (Bắc Kạn)…
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA cho biết, từ cuộc thi này đã xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ, giỏi về nhiều mặt ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Họ biết ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới, có tiêu chuẩn cao, thậm chí nhiều dự án đã có chứng nhận hữu cơ từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Theo TP