Nhận diện hành vi mạo hiểm
Quá trình phát triển của một Quốc gia dường như đang đẩy những người trẻ vào thế bị cô lập, yếu tố chủ động trong nhận định hành vi của họ cũng bị mất đi. Đó là một thực tế đang tồn tại ở các nước Châu Âu mà Pháp là một đại diện tiêu biểu. Ở nước ta khái niệm “hành vi mạo hiểm” vẫn chưa được biết đến nhiều, tuy nhiên biểu hiện của những hành vi đó trong một bộ phận giới trẻ đã được nhắc tới với những vụ việc cụ thể gần đây như bạo lực học đường, sự xuất hiện của những clip nhạy cảm…. Đó cũng là lý do vì sao hội thảo “Những hành vi mạo hiểm của giới trẻ” lại được nhiều bạn trẻ, trong đó chiếm phần lớn là học sinh phổ thông quan tâm.
![]() |
Vấn đề đầu tiên được ông Alain J. Lemaître đặt ra trong bài nói chuyện của mình đó là việc phân định, hay nói cách khác là nhận diện một cách đầy đủ những góc độ của các hành vi mạo hiểm trong giới trẻ. Nhìn ở góc độ rộng, GS. Alain J. Lemaître chia các hành vi mạo hiểm của giới trẻ hiện nay theo hai bình diện dựa trên tác động xã hội của nó lên chủ thể tạo ra hành vi (ở đây là giới trẻ). Tác động này được nhìn nhận ở mặc tích cực và mặt tiêu cực. “Về mặt tiêu cực có thể phân chia các nhóm hành vi mà những người trẻ không làm chủ được nó và bị sự điều khiển của hành vi đó” – GS Alain J. Lemaître nói. Những hành vi mạo hiểm xét ở mặt tiêu cực có thể gọi tên như: sử dụng ma túy, đua xe, uống rượu, gây rối…tuy nhiên nó chỉ được coi là mạo hiểm khi nó có quy trình lặp lại nhiều lần và người thực hiện hành vi không điều khiển được khả năng kiểm soát của bản thân trước hành vi đó.
Trả lời câu hỏi của một khán giả về giới hạn của những hành vi nguy hiểm trơng giới trẻ là gì, GS Alain J. Lemaître mô tả bằng việc đưa ra hình ảnh một chiếc sân bóng. “Khi cầu thủ thi đấu trên sân cỏ, người đó phải chấp nhận những quy định đã được đặt ra, nếu bóng ra ngoài sân tức là cầu thủ đã vượt ra khỏi giới hạn cho phép” – GS Alain J. Lemaître giải thích. Ông cũng cho biết thêm, một hành vi được coi là mạo hiểm không đồng nhất với hành vi nguy hiểm mà là cách các bạn trẻ sống với nó và trải nghiệm ra sao.
Cần có sự định hướng
Thừa nhận phần lớn những hành vi mạo hiểm đang tồn tại hiện nay trong giới trẻ nằm trong yếu tố tiêu cực, tuy nhiên GS. Alain J. Lemaître cũng cho rằng một xã hội mà không có những hành vi mạo hiểm chưa chắc đã là một xã hội tốt. Tương tự như thế, những người trẻ sống thụ động, chấp nhận cuộc sống theo lối co hẹp mình lại, từ chối gia nhập cộng đồng, không có những đột phá trong suy nghĩ và mong muốn trải nghiệm bằng những hành vi mạo hiểm cũng dễ gây nên những hành vi nguy hiểm (tức là hành vi tiêu cực của mạo hiểm).
Lý giải về việc giới trẻ ngày nay ngày càng có biểu hiện gia tăng các hành vi mạo hiểm hơn, GS. Alain J. Lemaître cho rằng đây là một quá trình có nguồn gốc từ việc “đứt gãy” các hệ giá trị của gia đình, một nhân tố quan trọng nhất. Bằng thực tế của nước Pháp, đất nước có 25 % người có độ tuổi từ 15 – 19 tuổi từng sử dụng ma túy, GS. Alain J. Lemaître lý giải: Trong quá trình tham gia vào các nhóm xã hội của mình, thanh thiếu niên cảm thấy họ bị cô lập, điều này khiến cho họ phải lao vào những trò chơi đầy rủi ro và thực sự nguy hiểm cho cá nhân họ cũng như cho xã hội. Bên cạnh đó, việc giới trẻ tìm đến với các hành vi mạo hiểm cũng là sự quy chiếu của việc cá nhân người đó có ý thực nội tại trong việc khẳng định “bản sắc” của mình trong xã hội. Vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để thanh niên đó vừa tạo được bản sắc riêng và vị trí của mình trong nhóm cộng đồng. “Một thanh niên mong muốn xây dựng bản sắc thông qua những hành vi mạo hiểm giống như một chất xúc tác định vị và hình thành bản sắc chung của thanh niên đó. Khi đó, bản sắc là kết quả của quá trình trương tác nhau trong xã hội”- GS. Alain J. Lemaître nói. Tuy nhiên, cũng theo GS trong giai đoạn chuyển giao của quá trình từ trạng thái cô đơn, lạc lõng đến việc thực hiện hành vi mạo hiểm của giới trẻ cần có một sự định hướng đúng đắn. Ngoài vai trò của gia đình đôi khi cần có sự tham gia của các bác sĩ tâm lý. Vì việc trải nghiệm hành vi mạo hiểm của người trẻ chỉ được thừa nhận khi người đó làm chủ và điều khiển được rủi ro của trò chơi mà mình tham gia vào.
Những câu hỏi được đặt ra trước hội thảo như: Làm sao mà tuổi thanh niên vốn là một thời kỳ khám phá đặc biệt và tự do lại có thể biến thành một trường trải nghiệm các lối ứng xử quá khích? Tại sao những lối ứng xử này lại được các bạn trẻ tuổi vị thành niên đặc biệt ưa thích để tạo dựng cá tính riêng? Vì sao cuộc sống lại phải trải qua những trò chơi gây chết người hay chịu những môn thể thao quá mức?…chưa được trả lời một cách triệt để cũng như phân định rạch ròi ranh giới giữa hành vi mạo hiểm và hành vi nguy hiểm của người trẻ trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, trong khuôn khổ ngắn ngủi của buổi tọa đàm đã làm “bật” lên được thông điệp: “Người trẻ hãy trải nghiệm trong một chừng mực thuộc giới hạn hành vi của mình. Không phải hành vi mạo hiểm nào cũng được cho là nguy hiểm, vấn đề là người trẻ làm chủ được hành vi và điều chỉnh nó như một quá trình trải nghiệm để trưởng thành – GS. Alain J. Lemaître kết luận.
Theo Không Gian Trẻ