|
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2010, toàn quốc xảy ra 14.442 vụ TNGT, làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người, tăng 1.778 vụ, giảm 47 người chết, tăng 2.544 người bị thương so với năm 2009. Trong đó, có 39 địa phương giảm, 23 địa phương tăng số người chết vì TNGT so với năm 2009; những địa phương giảm nhiều là: Bắc Cạn giảm 34,2%, Điện Biên giảm 29,2%, Trà Vinh giảm 27,8%, Nam Định giảm 21,9%, Yên Bái giảm 21,3%...
Có được kết quả trên là nhờ công tác chỉ đạo đảm bảo ATGT đã được triển khai sâu sát, chủ động, liên tục. Ngay từ đầu năm 2010, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức hội nghị ATGT toàn quốc triển khai chương trình hành động năm 2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và chỉ đạo hội nghị. Các kế hoạch bảo đảm ATGT Tết và lễ hội Xuân; kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Tháng ATGT năm 2010 với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”, Hội nghị cấp cao ASEAN 16, ASEAN 17, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng các cấp... đều được Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an, Bộ GTVT chủ động đưa ra kịp thời, có trọng tâm cụ thể. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT và các trường về hoạt động giáo dục ATGT theo chủ đề. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2010... Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 35/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư kiện toàn Ban ATGT, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và đảm bảo ATGT từ cơ sở.
Hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo trật tự ATGT đang dần được hoàn thiện, khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB, Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia TTKS giao thông... Bộ GTVT đã ban hành theo thẩm quyền 20 thông tư và 3 thông tư liên tịch có liên quan đến trật tự ATGT với các Bộ, ngành khác. Bộ Công an đã ban hành các thông tư về TTKS, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt; đăng ký xe; thông báo vi phạm trật tự ATGT...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT năm qua tập trung vào các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT, xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều cấp ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng, tích cực triển khai. Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam tổ chức dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng”, phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới triển khai dự án “Phòng chống lạm dụng rượu bia và lái xe”... Các hoạt động tuyên truyền ATGT được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng như phát thông điệp, áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu, băng rôn; hội thảo, tọa đàm; tập huấn, triển lãm tranh, ảnh... trên toàn quốc.
Điển hình, Cục Đường thủy nội địa đã phối hợp mở chuyên mục “Vì bình yên sông nước” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam; Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường đưa nội dung giáo dục ATGT cho học sinh vào nhiệm vụ năm học; tổ chức nhiều hội thi ATGT cho học sinh, sinh viên; Hội Nông dân các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật ATGT cho nông dân, vận động nông dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt xây dựng phim phóng sự phản ánh về ATGT, phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức thành công liên hoan băng hình toàn quốc với chủ đề "Rượu bia với hiểm họa TNGT”. Cục Cảnh sát Đường thuỷ xây dựng các phóng sự về ATGT đường thủy, phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội thi “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về GTĐT nội địa năm 2010”... Báo Bạn Đường bổ sung, đổi mới một số chuyên mục theo trọng tâm định hướng tuyên truyền của Uỷ ban ATGT Quốc gia, như chuyên mục tuyên truyền “Lái xe không uống rượu bia”, diễn đàn “Văn hóa còi xe”, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và Ban ATGT các địa phương, duy trì số lượng phát hành ổn định gần 40.000 tờ/kỳ...
Công tác TTKS, xử lý vi phạm được chú trọng triển khai, coi là một biện pháp quan trọng, vừa cưỡng chế thi hành pháp luật, vừa giáo dục, răn đe có tác dụng phòng ngừa. Trong năm qua, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý 6.362.907 trường hợp vi phạm Luật GTĐB (tăng 773.272 trường hợp so với năm 2009); tước 226.695 GPLX; tạm giữ 26.312 ôtô, 700.491 môtô, 12.912 phương tiện khác. Lực lượng Cảnh sát Đường thuỷ lập biên bản xử lý 212.239 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 224 trường hợp, đình chỉ hoạt động 944 phương tiện. Lực lượng thanh tra GTVT lập biên bản 86.377 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền 70.671 vụ. Năm 2010, lực lượng CSGT thụ lý giải quyết 8.190 vụ TNGT ít nghiêm trọng, không có dấu hiệu tội phạm; 28.956 vụ va chạm giao thông. Cơ quan CSĐT các cấp đã khởi tố vụ án hình sự 4.135 vụ (chiếm 43,83% trong tổng số vụ được phân tích), với 4.069 bị can; chuyển Viện KSND các cấp đề nghị truy tố 3.580 vụ với 3.735 bị can; TAND các cấp đã xét xử 3.939 vụ với 4.100 bị cáo, cơ quan điều tra quân đội thụ lý 64 vụ.
Các Khu QLĐB, Sở GTVT và các Ban QLDA đã tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, tiếp tục rà soát loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý, đồng thời bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết; nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen” đã được xác định. Năm 2010, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép đầu tư xử lý 31 vị trí tiềm ẩn có nguy cơ gây TNGT, công trình sơn kẻ mặt đường, bổ sung biển báo, tôn sóng với kinh phí 25,948 tỷ đồng. Hiện các đơn vị QLĐB thuộc khu IV, V đã thực hiện cơ bản giai đoạn II Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; còn lại dừng ở việc rà soát, thống kê, phân loại.
Đối với việc xoá bỏ đường nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ, hiện có 30 tỉnh đã có thỏa thuận quy hoạch đấu nối; 23 tỉnh đang tiếp thu, hoàn chỉnh quy hoạch. Đối với đường sắt, đã thống kê được 1.542 đường ngang hợp pháp, trong đó có 621 có người gác, 303 có cảnh báo tự động và 618 là biển cảnh báo. Ngoài ra, đường ngang dân sinh không hợp pháp là: 4.725, trong đó 1.873 là liên xã, 2.598 là lối đi hộ gia đình tự mở và 254 là do tổ chức, tư nhân tự mở. Đến nay Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ ATGT ĐTNĐ trên các tuyến sông, kênh do TƯ quản lý và làm các thủ tục bàn giao để địa phương quản lý, bảo vệ. Hiện cả nước có 3.678 bến khách ngang sông; trong đó, 1.771 bến thủy nội địa không phép (48%).
Năm 2010, ngành Đăng kiểm liên tục có sự hiện hóa về thiết bị kiểm định cũng như đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý hoạt động đăng kiểm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát, TTGT tăng cường kiểm tra, giám định, xử lý các xe chưa đạt chất lượng ATKT và bảo vệ môi trường; nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện mẫu dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Năm 2010, toàn quốc đăng ký mới 183.648 ôtô, 2.959.300 môtô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký lên 1.847.214 ôtô, 33.624.381 môtô; đội tàu biển và tàu bay quốc gia được quản lý chặt chẽ theo quy định của quốc tế.
Tính đến tháng 10/2010, cả nước có 245 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, có 409 cơ sở đào tạo lái xe môtô; 71 Trung tâm sát hạch lái xe được phân bố hợp ly. Đến nay, trong toàn quốc đã cấp 29.109.632 GPLX (trong đó có 2.588.940 GPLX ôtô và 26.520.692 GPLX môtô). Trong hoạt động vận tải, năm qua đã mở mới 115 tuyến; công bố 104 tuyến; đồng bộ mô hình và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại 504 bến xe trong cả nước, trong đó có 124 bến xe từ loại 4 trở lên.
Tuy công tác đảm bảo trật tự ATGT đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn đó các vi phạm về trật tự ATGT vẫn còn nhiều. Nổi cộm một số loại TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: tai nạn xe môtô làm chết 3 - 5 người, tai nạn xe khách, tai nạn đường ngang đường sắt, phương tiện thủy đâm va vào các cầu. Ùn tắc giao thông còn xảy ra tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh do phương tiện tăng cao. Tình trạng tụ tập đi xe môtô phóng nhanh, lạng lách gây mất trật tự công cộng vẫn diễn ra tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Long An... Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép phức tạp; phương tiện thuỷ không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện thuỷ không có bằng, chứng chỉ chuyên môn còn chiếm tỷ lệ cao (trên 80%).Việc triển khai giai đoạn II của Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt chưa thực hiện tốt ở một số địa phương, tình trạng tái lấn chiếm tại những điểm đã giải tỏa có xu hướng tăng trở lại... Thực tế này đòi hỏi thêm những nỗ lực mới trong công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2011
Theo banduong.vn