Từ xưa, người Việt ta thường nói “nhổ cỏ tận gốc”. Chân lí ấy hiển nhiên đúng nhưng trong thực tế, vẫn còn nhiều tệ nạn phát sinh từ cuộc sống hiện đại chưa được giải quyết triệt để gây nên những nhức nhối trong xã hội mà games online là một ví dụ. Không thể cứ mãi hạn chế, ngăn chặn việc chơi theo kiểu “phạt ngọn”mà phải tìm cách “nhổ tận gốc” bằng cách gieo những hạt mầm hữu ích mới như vậy mới có thể đẩy lùi tệ nạn này.
|
Lâu nay, với cuộc sống còn nhiều khó khăn, chúng ta mãi lo cho trẻ ăn no, mặc ấm, học hành…nhưng chưa quan tâm đến chuyện chơi cho trẻ như thế nào cho đúng nhu cầu của các em. Các sân chơi bị thu hẹp và triệt tiêu, để xây nhà cửa. Các khu vui chơi dành riêng cho thanh thiếu niên chưa thực sự hấp dẫn, cộng thêm việc học thêm liên miên cả ngày đã khiến trẻ “thèm” chơi và “đói” nhảy nhót thực sự. Một đằng là những thú chơi ảo với những tiện ích “tận chân răng” giúp trẻ thoả mãn nhu cầu hiếu động. Nhưng bên cạnh đó, còn là nhu cầu từ khẳng định vai trò của bản thân. Bởi, trong cuộc sống hàng ngày, các em luôn luôn bị lép vế về nhiều mặt: Lúc học , chịu sức ép về kết quả, thành tích và thụ động với đọc – chép.
Còn lúc ở nhà lại trở thành người thừa trong cuộc mưu sinh “tít mít” của cha mẹ. Games tuy ảo là thế, hại mắt, mệt mỏi ra sao chưa rõ. Nhưng kì thực, thú chơi này đã thực sự biến thành một món ăn tinh thần hấp dẫn mà trẻ rất khó từ chối. Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta phải đứng từ góc độ tâm sinh lí và nhu cầu khẳng định mình và khám phá công nghệ của lứa tuổi thanh thiếu niên. Thiết nghĩ, nếu có những phần mềm bổ ích, gắn với việc khám phá khoa học tự nhiên và xã hội sẽ giúp trẻ xa dần những thú chơi bạo lực và quái đản kia. Chỉ khi có những phần mềm hữu ích như vậy mới có khả năng ngăn chận tận gốc những tệ nạn.
Thực tế cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi. Ruộng, vườn, ao cá, triền đê…đã không còn là sân chơi của trẻ nữa. Ngược lại, cũng không thể chiều trẻ bằng mọi giá để cha mẹ rảnh rang làm ăn theo kiểu giải pháp tình thế. Thực sự cần phải có một mô hình giải trí gắn với lợi ích cộng đồng để trẻ có thể vừa chơi vừa đóng góp sự năng động, nhạy bén của mình cho xã hội.
Trong truyền thống giáo dục của người Việt, ngoài việc được chơi với những thú vui hấp dẫn trẻ em còn là niềm vui gánh vác trách nhiệm với gia đình. Ngày nay nhiều phụ huynh đã nhầm lẫn giữa tình yêu thương với việc chiều chuộng, làm thay, làm hộ…tạo ra thói vô trách nhiệm của con cái với gia đình, cộng đồng dẫn đến những sa ngã về đạo đức và hoang phí thời gian vào những thú chơi vô bổ. Chỉ khi nào sống có trách nhiệm và ý thức được vai trò của mình trong cuộc sống thì khi ấy các em sẽ tự lựa chọn cách sống lành mạnh và hữu ích. Lúc đó, con em của chúng ta mới nhận ra cuộc sống thật sự hữu ích hơn những thú chơi quẩn quanh của thế giới ảo kia là vô bổ và nguy hại.
58% học sinh Hà Nội chơi game online Khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội với hơn 370.000 học sinh (HS) phổ thông cho thấy hơn 215.000 em chơi game online 1-3 lần/tuần, chiếm 58%. Số HS chơi game online từ 4-6 lần/tuần là hơn 90.000 em, số chơi nhiều hơn 10 lần/tuần là gần 13.000 em. Tỉ lệ HS chơi vào ngày nghỉ hoặc giờ hành chính chiếm 40%. Theo Người lao động
|
Theo Lao động