Hải Phòng: Thanh niên tham gia đảm nhận công trình thu gom và xử lý rác thải

(CTG) Tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên trầm trọng, giải quyết triệt để bài toán này đang trở thành vấn đề khó đối với chính quyền nhiều nơi. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ĐVTN khu vực nông thôn tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải do thanh niên đảm nhận ngày càng phát huy hiệu quả.




Đoàn viên thanh niên xã Đông Phương, huyện Kiên Thụy thu gom rác thải

Thanh niên không ngại khó, ngại khổ

Cứ vào sáng thứ hai và thứ sáu hằng tuần, tổ thu gom và xử lý rác thải do Đoàn thanh niên xã Liên Am huyện Vĩnh Bảo lại đẩy xe đến các thôn, xóm trong xã để tiến hành thu gom rác. 15 thôn trong xã, thôn nào cũng có một xe thu gom rác do một tổ viên là đoàn viên thanh niên phụ trách. Đi vào hoạt động từ tháng 9-2010, nhưng hiệu quả hoạt động của tổ thu gom rác mang lại thật rõ rệt, đường làng, ngõ xóm, kênh mương, đường ra đồng…ngày một phong quang sạch, đẹp. 

Anh Bùi Văn Mười - Tổ trưởng tổ thu gom và xử lý rác cho biết: Trước khi có tổ thu gom vấn đề rác thải sinh hoạt gây nhiều bức xúc trong nhân. Kỳ họp HĐND nào cử tri cũng kiến nghị xã thành lập tổ thu gom rác để giữ gìn vệ sinh. Nhận thấy vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt của xã ngày càng trầm trọng, đoàn thanh niên mạnh dạn đứng ra nhận trách nhiệm thu gom và xử lý rác. Cùng với nguồn vốn ngân sách xã, cộng với vốn của đoàn thanh niên tổ thu gom đã mua được 15 xe đẩy và xe thùng bắt tay vào công việc thu gom rác. Ngày đầu ra quân số rác được tập kết, thu gom lên đến trên 100 xe, tổ phải chở 5 ngày mới hết.     Và với mức phí 2.000 đồng/ 1 khẩu, đến nay tổ thu gom rác đã vận động được 98% số hộ dân trong xã tham gia. Thu nhập trung bình của những người tham gia vào tổ thu gom rác từ 80 đến 100 nghìn đồng/ ngày.

Cũng giống như mô hình thu gom và xử lý rác của xã Liên Am, từ năm 2008 đến nay, tổ thu gom rác do đoàn viên thanh niên thôn Lạng Côn, xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy) phụ trách đang hoạt động đều đặn và hiệu quả. Mô hình thu hút được trên 20 đoàn viên thanh niên tham gia. Cách một ngày, tổ thu gom rác đi thu một lần, mỗi lần thu gom có 2 đến 3 đoàn viên tham gia. Công việc thu gom chỉ diễn ra vào đầu giờ sáng giống như việc “tập thể dục” sau đó đoàn viên vẫn tiếp tục làm những công việc bình thường.

Số tiền phí thu gom rác 3.000 đồng/ khẩu ngoài việc bồi dưỡng, động viên những người trực tiếp tham gia thu gom phần còn lại được đưa vào quỹ của đoàn thanh niên. Từ ngày có mô hình thu gom rác của thanh niên có 100% hộ dân trong thôn tham gia, không những đường làng, ngõ xóm, kênh rạch trong thôn ngày một sạch, đẹp mà phong trào đoàn cũng từ đó sôi nổi hơn. Các hoạt động đoàn thanh niên, hoạt động cần sự giúp đỡ của thanh niên không bị “trắng” đoàn viên như trước.

Góp phần bảo vệ môi trường

Anh Phạm Văn Hưng, Bí thư chi đoàn đồng thời là trưởng thôn Lạng Côn cho biết: Trước đây lượng rác thải hàng ngày được người dân tự thu gom và tự tìm chỗ đổ. Việc xử lý rác thải được người dân làm theo kiểu “mạnh ai lấy làm” chỗ nào có đất trống là người dân mang rác đến đổ, phổ biến là khu vực bờ mương, bờ sông, ven đê...Lượng rác thải này là nguồn gây ra ô nhiễm cho hệ thống kênh, mương, thậm chí còn là mầm lây bệnh cho người và gia súc, gia cầm, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, thời gian đầu đi vào hoạt động cả hai mô hình này gặp không ít khó khăn từ xe chở rác, dụng cụ, quần áo bảo hộ...Thậm chí, đoàn viên thanh niên có tâm lý làm gì thì làm chứ quét rác thì khó coi lắm. Cùng với đó, người dân nông thôn tồn tại thói quen đổ rác bừa bãi, thay đổi nhận thức của họ không phải công việc “một sớm, một chiều”. Trong khi đó, nhiều hộ dân điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa “ chấp nhận” việc phải trích một khoản tiền nộp phí hàng tháng. Việc xây dựng bãi rác và phương pháp xử lý rác người dân “chưa thông” nên còn nói ra, nói vào gây nhiều  khó khăn.

Nhưng, với tinh thần “đâu khó có thanh niên” các thành viên trong các tổ thu gom và xử lý rác không lấy đó làm lý do ỷ lại mà động viên nhau, đây không chỉ là công việc cho thu nhập đơn thuần mà góp phần bảo vệ môi trường cho thôn, cho xã. Tổ thu gom đi vào hoạt động tình trạng vứt rác ra kênh, mương, bờ đê  của người dân không còn tồn tại, thói quen mang rác để ra đầu ngõ để tổ thu gom thu rọn được hình thành- anh Bùi Văn Mười cho biết thêm.

Cũng chính từ hiệu quả thực tế mà tổ thu gom rác do đoàn thanh niên xã Liên Am và thôn Lạng Côn người dân nơi đây ngày thêm đồng tình hưởng ứng, cảnh quan, môi trường trong xã được cải thiện rõ rệt. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổ thu gom rác hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hàng tháng các tổ thu gom rác phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức dọn cỏ dại dọc tuyến đường trục chính của thôn, xã khơi thông kênh mương, vớt bèo tây…thu hút được đông đảo thanh niên tham gia. Người dân nơi đây thay vì duy trì thói quen vứt rác bừa bãi, nay thân thuộc hơn với tiếng kẻng của tổ thu gom rác mỗi sáng.

Mặc dù mô hình thu gom rác hoạt động ngày một hiệu quả, thu hút được đông đảo người dân tham gia nhưng để duy trì tốt và nhân rộng cách làm, tổ thu gom rác của thanh niên cần nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương về nguồn kinh phí, vận động sự ủng hộ của người dân; hỗ trợ đào tạo những phương thức xử lý rác hiệu quả thay vì chỉ thu gom, tập kết rác và xử lý thủ công như hiện nay.

Phạm Đức Mạnh
Tỉnh Đoàn Hải Phòng