Hàng loạt rối loạn sức khỏe tâm thần mà người trẻ phải đối diện?

(CTG) Các chuyên gia cho rằng người trẻ đối diện với nhiều áp lực dễ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Không ít người đang có "hội chứng con vịt", tức nhìn trên mặt nước lúc nào cũng là hình ảnh rất đẹp, thong dong nhưng bên dưới thì phải khuấy chân điên đảo...

Mỗi thế hệ đều trải qua những thời điểm khó khăn như nhau, nhưng người trẻ ở giai đoạn hiện nay có rất nhiều kỳ vọng từ xã hội nên áp lực cũng sẽ khác. Có thể là áp lực đồng trang lứa, có thể là sự hoàn hảo trong suy nghĩ mình đạt được, áp lực về chuyên môn trong công việc, hoặc là kỳ vọng quá mức từ gia đình và xã hội… Và có phải không ít người trẻ đang có "hội chứng con vịt", các bạn dường như cố tỏ ra là mình ổn nhưng sâu thẳm bên trong là biển động? Khi chuyên gia đặt ra câu hỏi như vậy tại một chuyên đề về sức khỏe tâm thần, không ít bạn trẻ ngồi dưới đã gật gù.

Tuổi trẻ là giai đoạn có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần nhất

Tại ngày hội Nâng cao sức khỏe tâm thần "Tôi vui khỏe, Tôi hạnh phúc" của Đoàn cơ quan Thành đoàn TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức hướng đến hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10.10), đứng nhìn chăm chú thật lâu vào một tấm ảnh có nội dung "kiệt sức nghề nghiệp", N.T.T.A, sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM, cho biết chị gái mình dường như đang ở trong trường hợp này.

Hàng loạt rối loạn sức khỏe tâm thần mà người trẻ phải đối diện?- Ảnh 1.
 
Nhiều bạn trẻ hiện nay quan tâm về các vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần

ẢNH: NỮ VƯƠNG

T.A kể từ nhỏ chị gái đã xinh đẹp và thông minh nhất nhà, ông bà, ba mẹ ai cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào chị. Cả hành trình chị đi qua đều đáp ứng được những kỳ vọng này của gia đình. Học lúc nào cũng giỏi, đạt rất nhiều thành tích khiến gia đình ai cũng tự hào; ra trường đi làm cũng gặt hái được thành quả đáng ngưỡng mộ… Nhưng rồi một ngày chị gái hỏi T.A: "Nếu một lúc nào đó công việc chị không ổn định, em có thất vọng về chị không?" T.A chợt nhận ra rằng đã có gì đó bất ổn. Và một thời gian sau đó, gia đình phát hiện chị của T.A gặp vấn đề nghiêm trọng về rối loạn sức khỏe tinh thần.

Chị Phan Tường Yên, nhà đào tạo tâm lý học ứng dụng, giám đốc các chương trình tâm lý dành cho tổ chức doanh nghiệp và trường học tại Saigon Psychub, cho biết người trẻ là độ tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều này đã được ghi nhận trong nhiều thống kê, nghiên cứu không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Vì đặc trưng của đời sống hiện nay và lứa tuổi, nên nhóm tuổi từ vị thành niên cho đến 30 tuổi là giai đoạn… đỉnh cao nhất liên quan đến hàng loạt các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể xuất hiện cùng một lúc trên một cá nhân.

"Tuy nhiên điều đó không khiến mình bình thường hóa việc có rối loạn sức khỏe tâm thần mà gióng lên hồi chuông là với một nhu cầu rất lớn và thực trạng nguy hiểm như vậy thì cần phải được chăm sóc và hỗ trợ kịp thời hơn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, sau đại dịch, sức chống chịu về mặt tinh thần của con người mỏng giòn hơn rất nhiều, sự nhạy cảm cũng tăng lên rất nhiều…", chị Tường Yên nhấn mạnh.

Hàng loạt rối loạn sức khỏe tâm thần mà người trẻ phải đối diện?- Ảnh 2.

Chị Tường Yên tư vấn cho các bạn trẻ tại ngày hội

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Ngoài ra, chị Tường Yên cũng cho rằng sự tràn lan của các thông tin trên mạng xã hội cũng tạo nên những áp lực về nhiều mặt cho người trẻ. Hay sự phát triển của công nghệ phần nào đó đe dọa đến công việc của người trẻ, khi có những vị trí công nghệ có thể tự động hóa được mà không cần con người phải làm công việc đó nữa. Điều này cũng đặt ra thêm một áp lực về việc phải thích nghi rất nhanh với những thứ rất mới và phải thay đổi, chuyển đổi liên tục để sống được trong nền kinh tế thị trường…

"Nhìn chung có rất nhiều vấn đề cùng đang xảy ra và những người trẻ đang phải chịu rất nhiều áp lực", chị Tường Yên nhìn nhận.

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, cho rằng trước đây chúng ta chưa nhìn nhận đúng và đầy đủ về vấn đề sức khỏe tâm thần và quan tâm nhiều hơn về sức khỏe thể chất. Mọi người vẫn nghĩ là những vấn đề về lo lắng, lo âu là đương nhiên phải có. Nhưng mọi người chưa nhận ra được nếu những lo lắng, lo âu diễn ra quá lâu sẽ ảnh hưởng ngược lại về sức khỏe thể chất, cũng làm cho một con người mất khả năng lao động, cống hiến và kết nối với xã hội.

"Trước đây, nhìn về hệ thống y tế của mình thì cũng chưa có chính sách, hay cơ sở y tế quan tâm nhiều đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần. Mình hay kết luận cho các vấn đề như đau mỏi vai gáy, viêm dạ dày là một bệnh thực thể nhưng không đi sâu vào phân tích là có vấn đề căng thẳng hay lo âu kéo dài? Sau đại dịch, chúng ta đã nhận ra rằng sức khỏe tâm thần cần được quan tâm nhiều hơn", bác sĩ Đạt chia sẻ.

Những dấu hiệu nhỏ nhưng cũng nguy hiểm, nếu…

Bác sĩ Đạt cho rằng người trẻ cần hiểu áp lực hay stress là động lực giúp hoàn thành công việc nhưng áp lực này chỉ nên vừa đủ, vừa phải để có sự nỗ lực, cố gắng. Người trẻ nên nhận ra rằng thời điểm mà bản thân có dấu hiệu chững lại bởi stress, tức lúc đó áp lực quá sức, không thể làm việc hiệu suất cũng như không đảm bảo được sức khỏe thể chất… thì cần lưu ý để có những sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

"Chúng ta nhận ra trầm cảm, stress là vấn đề có thể xảy ra để mình có thái độ hợp lý chứ không phải nhận ra bình thường để mãi bình thường hóa vấn đề đó, và không chủ quan với những dấu hiệu dù nhỏ như vậy", bác sĩ Đạt nói và phân tích: "Các bạn hình dung rằng hoạt động của cơ thể mình về vấn đề tâm thần là một bộ máy của sự kết nối các hóa chất. Có thể giai đoạn đầu mình thiếu một chút, nếu nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia chúng ta sẽ vực dậy. Nhưng để sự thiếu đó cứ diễn ra liên tục và bào mòn dần não bộ của mình, đến lúc mà bản thân không còn tạo ra được những hóa chất giúp kết nối giữa tâm thể (não bộ) và thân thể (đầu, mình, tay, chân) tức đã không còn sự kết nối nào với chính cơ thể của mình chứ chưa nói đến việc kết nối với xã hội".Chị Tường Yên cho biết có 4 yếu tố để nhận diện các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đầu tiên là hiệu suất, bao gồm năng suất và chất lượng. Có nghĩa là nếu có một sự thay đổi nào đó về chất lượng công việc hoặc năng suất làm việc cũng là dấu hiệu để lưu tâm. Yếu tố thứ 2 là mối quan hệ. Nếu xem tổng hòa các mối quan hệ của bản thân (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu…) đều đồng loạt gặp trục trặc, có vấn đề hoặc là mình không muốn tiếp xúc với ai…, cũng có thể là chỉ báo cho chúng ta biết là vấn đề sức khỏe tâm thần có thể góp phần vào những chuyện đó.

Yếu tố thứ 3, theo chị Tường Yên, là ngoại hình. Nếu thấy bản thân hay một người nào đó bắt đầu có xu hướng hơi bỏ bê về ngoại hình, thiếu chăm chuốt, các sinh hoạt cá nhân bình thường bị đẩy lùi lại đằng sau trong những điều mà mình ưu tiên thì cũng có thể là họ đang trải qua giai đoạn khó khăn về sức khỏe tinh thần.

Cuối cùng là sự hiện diện. Có nghĩa là một cá nhân nào đó dù đang ngồi ở cơ quan làm việc nhưng tâm trí không ở đó, công việc không hiệu quả hoặc là thường xuyên vắng mặt, họ tự dưng rút ra khỏi các hoạt động chung… Cũng là dấu hiệu để cho biết sức khỏe tinh thần của họ đang không ổn.

Chị Tường Yên khuyên người trẻ nên dành thời gian cho những mối quan hệ chất lượng để làm tăng khả năng sức bật về mặt tinh thần; thực hành việc tự yêu thương bản thân và biết ơn nhiều hơn. Điều này giúp mình mở ra sự cảm thông và kết nối với thế giới bên trong…

Bác sĩ Đạt thì cho rằng trong thời buổi hiện nay, phụ huynh nên để ý nhiều hơn đến con cái của mình. Đừng nhìn nhận việc bỏ cơm, bỏ học… chỉ đơn giản là vì các con lười mà hãy nhìn ở góc nhìn đa chiều hơn. Có thể dấu hiệu nhỏ đó lại là một vấn đề về sức khỏe tâm thần nằm sâu bên trong mà con cái cần chúng ta cùng đồng hành để tháo gỡ…

Theo TN