Hàng Việt ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân

(CTG) Năm 2011 dù người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng doanh thu của nhiều ngành hàng như: dệt may, da giày, giấy... vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 12%. Có doanh nghiệp ngành dệt may đã có mức tăng trưởng ấn tượng ở thị trường nội địa, lên tới 30% - 50% so với năm ngoái.



Đây là thông tin  tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ngày 28/12. Ban chỉ đạo chương trình hưởng ứng cuộc vận động cho biết trong các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng áp đảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, Cuộc vận động trong năm 2011 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng tăng trưởng nội địa đã tăng 23,4%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa cũng đạt 2.014 tỷ đồng. Hàng Việt đã dần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Có 33 tỉnh, thành phố và các địa phương đã tổ chức 156 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1.627 doanh nghiệp tham gia, thu hút 655.179 lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm. Tại tỉnh biên giới các đợt bán hàng không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia... tới tham quan và mua sắm.

Tại hai thành phố lớn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng Việt được đưa về vùng sâu vùng xa, đưa vào bếp ăn tại các nhà trẻ, khu chế xuất. Cách thức đưa hàng Việt đang tiến dần từng bước, đến người nông dân, công nhân... Những hoạt động này được đánh giá, bước đầu tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng (NTD) với sản phẩm nội địa.

Nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được NTD Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước là sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả; các sản phẩm đồ gia dụng; vật liệu xây dựng, nội thất; văn phòng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kết thúc năm 2011, doanh thu từ thị trường nội địa của các doanh nghiệp thuộc Vinatex ước đạt 17.200 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.Các doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường trong nước 1.000 tỷ đồng trở lên gồm Phong Phú với 2.175 tỷ đồng, Việt Thắng 1.199 tỷ đồng….

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex cho rằng, năm nay mặc dù người dân phải thắt chặt chi tiêu, nhưng ngành vẫn có mức tăng trưởng khá. Điều này chứng tỏ sản phẩm dệt may đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa.

Năm 2011, sản phẩm dệt may “Made in Vietnam” tiếp tục được người tiêu dùng sản lựa chọn. Nghiên cứu mới đây của Niesel -  công ty chuyên cung cấp thông tin về đo lường các chỉ số truyền thông và thị trường còn cho thấy, có đến 90% người được hỏi ở Tp.HCM và  83% ở Hà Nội cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn.

Lý do khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tiêu dùng trong nước được đưa ra gồm giá cả hợp lý, tính đa dạng, dịch vụ khuyến mại, bảo hành tốt, và quan trọng nhất là sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng.

Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống

Tuy nhiên, trong suốt quá trình triển khai Cuộc vận động, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao ở kênh phân phối hiện đại nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống ở thị trường nông thôn và chợ truyền thống.

Bà Vũ Kim Hạnh khẳng định, muốn thúc đẩy phát triển thị trường nội địa phải xây dựng những cửa hàng thuần túy bán hàng Việt tại vùng sâu vùng xa. Doanh nghiệp nhận đưa hàng Việt Nam chất lượng cao tới và hướng dẫn người quản lý theo dõi quá trình kinh doanh của mình. Hàng Việt không những nên hình thành kênh phân phối chuyên nghiệp mà còn phải phân phối tại các chợ truyền thống. Bà đề xuất, các Sở Công thương nên làm công tác kết nối giữa nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng; trực tiếp giới thiệu những cửa hàng kinh doanh Việt tốt, từ đó nhân rộng, tăng tỷ lệ hàng Việt tại các cửa hàng. "Có văn hóa giao tiếp và biết rõ hàng Việt là vũ khí tốt để thực hiện thành công cuộc vận động”.

Để thúc đẩy phát triển thương hiệu hàng Việt, Thứ trưởng Hồ Kim Thoa cho biết, năm 2012, Bộ sẽ theo sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Các doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để sản xuất ra các loại sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao nhưng giá cả thấp hơn so với hàng hóa đến từ nước ngoài... Đây chính là điểm then chốt để thực hiện thành công Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo Chính Phủ