“Hành trình 20 năm Tiếp sức mùa thi”: Gần 20 triệu thí sinh, người nhà thí sinh được hỗ trợ

(CTG) Ngày 4/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thanh niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức Tọa đàm “Hành trình 20 năm Tiếp sức mùa thi”. Dự và chủ trì có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

 

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) ra đời từ năm 1997 tại TPHCM. Năm 2002 Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam quyết định nhân rộng mô hình TSMT ra toàn quốc với sứ mệnh hỗ trợ toàn diện, tối đa, đúng và trúng nhu cầu của các bạn thí sinh, người nhà thí sinh mỗi dịp mùa thi đến. Trải qua 20 năm phát triển, Chương trình đã được tổ chức với sự lớn mạnh về quy mô, nâng cao chất lượng các hoạt động, nhân rộng nhiều mô hình, cá nhân điển hình và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chương trình Tiếp sức mùa thi đã hỗ trợ cho gần 20 triệu thí sinh và người nhà thí sinh trên cả nước; triển khai 58.618 đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của hơn 1 triệu thanh niên, sinh viên tình nguyện; tổng nguồn lực huy động được là gần 200 tỷ đồng.

Sau 20 năm, Chương trình TSMT trở thành một hoạt động quen thuộc đối với thanh niên, sinh viên, các thí sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội mỗi dịp mùa thi đến.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tung ương Đoàn cho biết, qua 20 năm hình thành và phát triển, chương trình TSMT đã kịp thời chuyển mình, linh hoạt và sáng tạo với nhiều cách làm, mô hình hay. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2002 – 2014, Chương trình tập trung hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại 7 cụm thi ở 7 tỉnh, thành phố; giai đoạn từ năm 2015 đến nay, triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố, không chỉ hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia, mà còn hỗ trợ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của các địa phương.

Từ Chương trình TSMT đã có hàng triệu chỗ trọ an toàn, giá rẻ hoặc miễn phí, hàng trăm ngàn vé xe buýt và suất ăn miễn phí, hàng trăm chuyến xe tình nguyện, hàng vạn cẩm nang, bản đồ chỉ dẫn và nhiều hoạt động tiếp sức, hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực khác. Chương trình TSMT không chỉ là người bạn đồng hành thân thiết của thí sinh, người nhà thí sinh mà còn là môi trường để các bạn thanh niên, sinh viên tình nguyện trải nghiệm, rèn luyện và cống hiến. “Với những ý nghĩa đó, “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một Chương trình TSMT mang tính nhân văn sâu sắc, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao và khẳng định được giá trị, tầm quan trọng, luôn linh hoạt, sáng tạo…”, anh Triết nói.

Buổi tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, cách làm, mô hình hay trong triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, qua đây đưa ra những sáng kiến cụ thể để phát triển chương trình theo hướng thiết thực, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tới đây và thực sự là người bạn đồng hành thân thiết của thí sinh và người nhà thí sinh.

Chia sẻ về mô hình tiếp sức thí sinh tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, anh Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Thuận cho biết: Mỗi năm, tại Phú Quý có khoảng 260 khối lớp 12 phải di chuyển từ đảo vào đất liền để tham dự kỳ thi THPT (Phú Quý cách đất liền 56 hải lý (khoảng 106 km) nên gặp không ít những khó khăn, bất cập. Vì vậy, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này. Theo đó, Tỉnh Đoàn Bình Thuận triển khai mô hình “Taxi miễn phí”, vận động các hãng Taxi hỗ trợ đưa đón miễn phí các em từ bến tàu về chỗ ở; đồng thời, tổ chức các đội xe ôm miễn phí đưa đón miễn phí thí sinh từ điểm ăn ở đến điểm thi và ngược lại. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn cũng huy động các nguồn lực nấu các bữa ăn miễn phí, tặng quà động viên, tiếp thêm động lực cho các thí sinh từ huyện đảo vào đất liền thi.

Anh Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Thuận tham luận tại buổi Tọa đàm.

Năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các thí sinh Phú Quý được bố trí thi ngay tại huyện đảo. Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã linh hoạt sử dụng lực lượng tại chỗ, thành lập đội hình tình nguyện tại Phú Quý và tập huấn trực tuyến. Nhờ đó, đội hình đã chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thái Minh Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An chia sẻ hiệu quả của mô hình “Gia sư áo xanh”, “Mỗi sinh viên, giảng viên, giáo viên trẻ hỗ trợ một thí sinh” nhằm hỗ trợ thí sinh ôn tập, đồng hành về kỹ năng, tâm lý cho thí sinh trước và trong kỳ thi. Bên cạnh, việc các gia sư áo xanh đến tận nhà hỗ trợ thí sinh; các sinh viên xuất sắc, giáo viên, giảng viên trẻ giảng dạy thí sinh từ xa thông qua internet phát huy hiệu quả, đặc biệt phù hợp với 2 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. “Có nhiều thí sinh được hỗ trợ đã trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, trong đó, nhiều em là học sinh gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số đạt số điểm cao”, anh Sỹ nói.

Dịp này, Trung ương Đoàn đã phối hợp các đơn vị liên quan ra mắt Kỷ yếu 20 năm “Tiếp sức mùa thi”. Gồm 3 phần: Số liệu và mô hình tiêu biểu - Tham luận – Hình ảnh, Kỷ yếu được coi như cuốn phim quay chậm, lưu giữ những ký ức, kỷ niệm đẹp của chương trình từ những năm đầu triển khai đến nay.

Hải Đăng