Hành trình 48 giờ “Hack Cô Vy” và giá trị kiến tạo đích thực

(CTG) Hành trình Hack Cô Vy đã khép lại với 420 đơn đăng ký từ khắp thế giới, 65 sản phẩm dự thi ấn tượng. Mỗi đội thi mang lại màu sắc riêng nhưng đều mong muốn được đóng góp các giải pháp bền vững cho những vấn đề còn nhiều nan giải trong cuộc chiến chống bệnh dịch Covid - 19.

 

Hưởng ứng phong trào sáng tạo công nghệ giải quyết các vấn đề của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Thành đoàn - Hội Sinh viên - Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam và AngelHack Viet Nam phối hợp phát động cuộc thi online hackathon “Hack Cô Vy”.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 24 đến 26/4. Đây là cuộc thi online hackathon đầu tiên tại Việt Nam nhằm giúp cộng đồng khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Hành trình "Hack Cô Vy" đã khép lại với 420 đơn đăng ký từ khắp nơi trên thế giới, 65 sản phẩm dự thi, 48 giờ code quên mệt mỏi, 8 đội thắng chung cuộc. Mỗi đội thi mang màu sắc riêng biệt nhưng họ đều mong muốn được đóng góp các giải pháp bền vững cho những vấn đề còn nhiều nan giải trong cuộc chiến chống bệnh dịch.

Chất lượng và sự đầu tư vào mỗi sản phẩm của các đội thi "Hack Cô Vy" đã khiến Ban giám khảo rất khó khăn trong việc tìm ra ý tưởng xuất sắc nhất cho chương trình ươm tạo và biến nó thành thực tế.
Ban giám khảo đã thảo luận và quyết định trao giải cho 8 ý tưởng xuất sắc.

BGK cuộc thi.

Trong phần tăng tốc dành cho các đội đã có sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP), giải Nhất thuộc về đội AIOZ với dự án BettleBot nhằm hỗ trợ y bác sĩ và bộ phận an ninh theo dõi, quản lý, giao tiếp từ xa và phát hiện những vi phạm về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang.

Trong phần gieo hạt dành cho các đội xây dựng 100% ý tưởng và sản phẩm trong 48 giờ của cuộc thi: giải Nhất thuộc về đội DHSYN với ứng dụng Quaranhome. Đây là giải pháp hệ thống quản trị khu cách ly, nhằm hỗ trợ cư dân khu cách ly cập nhật tin tức nhanh nhất. Ứng dụng cũng hỗ trợ ban quản trị kiểm soát khu cách ly thông minh và linh hoạt với mục tiêu không để ai lại phía sau (kể cả khách du lich nước ngoài và bất đồng ngôn ngữ).

Quan tâm tới chủ đề bình đẳng giới, đội Ò_Óoo mang đến dự án Sechi là sản phẩm hỗ trợ, thúc đẩy hành vi chia sẻ trách nhiệm trong gia đình để tăng nhận thức về bình đẳng giới đã xuất sắc giành giải Nhì.

Giải Ba thuộc về Kid Teams đề xuất ứng dụng Zero Waste là nền tảng kết nối người dùng có thể quyên góp hoặc bán thực phẩm thừa với những người có nhu cầu, giúp giảm lượng thực phẩm bỏ đi.

Những sản phẩm mang tính độc đáo, sáng tạo.

Trong thử thách VinAI vinh danh 3 đội có sản phẩm sử dụng AI xuất sắc: Đội Mắm, đội AIOZ – BettleBot và đội Import Keras

Đội Mắm sáng tạo GudNews là nền tảng website nhằm hạn chế tiêu thụ nguồn tin giả. Ứng dụng đăng điểm tin ngắn thu thập tin tức qua các trang báo chính thống được kiểm duyệt của ban nội dung để đảm bảo sự chính xác của nguồn tin. Với sự hỗ trợ của AI, ứng dụng có khả năng rút gọn thông tin thành điểm tin ngắn. Đây cũng là đội giành được giải Nhất của thử thách này và nhận phần thưởng 1000$ ngoài tấm vé vào chương trình ươm tạo khởi nghiệp của VinAI cho 3 đội xuất sắc nhất.

Sau cuộc thi, những đội xuất sắc sẽ nhận được 2000$ từ Quỹ Phát triển sản phẩm và bước vào chương trình ươm mầm Hackcelerator của AngelHack trị giá 25.000$ với sự hỗ trợ của UNDP để đưa sản phẩm ra thị trường. Các đội cũng được tham gia vào cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge và tiếp cận nhà đầu tư khu vực trên nền tảng Jóng Ventures do Thành đoàn Hà Nội phát động.

“Hack Cô Vy 2020” nơi người tham dự cùng nhau kiến tạo giải pháp công nghệ để ứng phó với các vấn đề do dịch bệnh Covid-19 gây ra theo nhóm 6 chủ đề: Giáo dục, sức khỏe, môi trường, chính phủ, bất bình đẳng xã hội, và kinh tế/việc làm tương ứng với 6 trong 15 "Mục tiêu phát triển bền vững" của UNDP. Toàn bộ quá trình tổ chức cuộc thi được thực hiện trực tuyến.

Hải Đăng