Cô Vũ Thị Hòa (38 tuổi, quê Quảng Ninh) đã công tác tại trường THCS Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La 15 năm. Cũng từng ấy năm, cô chứng kiến nhiều lớp học sinh bỏ học vì kết hôn sớm, vì tục cướp vợ.
Một buổi ngoại khóa của trường THCS Lóng Luông về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn. |
Cô Hòa giơ máy điện thoại cho chúng tôi xem ảnh của em G.T.K.R - học sinh lớp cô chủ nhiệm. Cô bé có nước da trắng, khuôn mặt tròn, mái tóc dày, mượt mà trong ảnh từng là nạn nhân của tục bắt vợ.
Cô Hòa kể, R bị bắt trong buổi đi chơi Tết Nguyên đán năm ngoái. Sau khi biết chuyện, cô liên lạc ngay và được biết, R chỉ quen nhưng không yêu. Dù nhất quyết không chấp nhận nhưng em vẫn bị bạn bắt về. Cô Hòa hỏi, "sao bị bắt không gọi cho bố, mẹ". R bật khóc, em nói đã gọi nhưng bố, mẹ em không đón vì theo tập tục của người Mông, khi bị bắt về nhà, em đã là vợ người ta, là ma nhà người. Bố, mẹ em sợ làng bản nói không biết dạy con, không theo phong tục tập quán của làng bản. Và nếu em có về cũng không được chung sống với bố mẹ nữa.
Cô bé 14 tuổi lúc đó phải đứng trước hai lựa chọn. Một là em chấp nhận bó buộc cuộc đời với người em không yêu, nghỉ học và làm nương rẫy. Thứ hai, em trốn về, gia đình em phải chấp nhận điều tiếng với xóm làng và phải mang tiếng một đời chồng... Thế rồi, R chấp nhận đối mặt và trốn về. Em và gia đình phải chịu lời qua tiếng lại của làng bản, bản thân em cũng phải dọn ra ở riêng, trong một ngôi nhà tạm gần nhà.
Không chỉ R, nhiều bạn nữ người Mông cũng phải chịu áp lực từ những hủ tục trên. Thỉnh thoảng, cô Hòa nhận được tin nhắn của các học sinh, khóc lóc và than phiền cùng cô giáo về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, phải chịu nhiều áp lực từ việc kinh tế đến nuôi dạy con cái. Nhưng hầu như, các bạn đều không có sự lựa chọn khác và rơi vào vòng luẩn quẩn: Cưới sớm, bỏ học, làm nương rẫy và đói nghèo...
Cô Hòa chia sẻ, tục bắt vợ theo kiểu cưỡng bức đã có xu hướng giảm và chuyển sang hướng tích cực hơn là các em tự nguyện đến với nhau bằng tình cảm; việc "bắt" chỉ là hình thức. Tuy nhiên, các cô phải đối diện với thực tế là chính các em tự nguyện đến với nhau, cưới nhau khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa nhận ra được lợi ích của việc học. Tuyên truyền không thành công, đôi lúc, thầy cô phải thỏa hiệp, động viên các em kết hôn rồi quay lại lớp. Tuy nhiên, tình trạng kết hôn quay lại lớp học phần nhiều là học sinh nam, rất ít học sinh nữ vì các em đã thành lao động chính, trở thành các bà mẹ bận bịu với con cái.
"Hễ có thời gian bên cạnh, tôi khuyên các em đừng cưới sớm và chia sẻ cho các em biết cuộc sống hôn nhân cần chuẩn bị những gì. Các em cũng vâng, dạ nhưng rồi vẫn bỏ học, cưới sớm. Nhìn những đứa trẻ mới có 13, 14 tuổi, ngoại hình nhỏ bé, đang học cấp 2 đã làm bố, làm mẹ, tôi thương lắm", cô Hoa chia sẻ.
|
Chị Hoàng Thị Hường chia sẻ. |
Theo chị Hoàng Thị Hường - nhà hoạt động về giới và sáng lập Toha Coffee, "kéo dâu" thực chất là một văn hóa đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đôi trai gái đã đủ tuổi kết hôn, chàng trai, cô gái không được gia đình hai bên ưng thuận, hoặc chàng trai không có đủ tiền thách cưới thì đây như một bước để "đốt cháy giai đoạn". Thế nhưng, dần bị biến tướng thành "bắt vợ", kể cả khi không có sự đồng ý hoặc chưa đủ tuổi kết hôn, dẫn đến tảo hôn.
Theo chị Hường, để giải quyết tình trạng này không có cách nào khác là giáo dục nâng cao nhận thức, để cho các em nhận ra mình có nhiều lựa chọn, và quyết định được số phận của mình. Làm sao để các bạn hiểu ra, việc yêu và cưới là hai chuyện khác nhau, và đừng để quyết định từ cảm xúc nhất thời chi phối. "Việc này, cần phát huy vai trò của Đoàn, Đội và các hoạt động giao lưu giữa các trường vùng cao, để các bạn có nhiều góc nhìn, văn hóa khác nhau" - chị Hường nói.
Thầy Lương Văn Huyến, hiệu trưởng THCS Lóng Luông chia sẻ, tục bắt vợ của người Mông có rất nhiều ràng buộc. Khi người con gái Mông bị bắt làm vợ, người Mông coi như người con gái đó đã đi lấy chồng; nếu quay về nhà, cô gái không được ở nhà cùng với bố mẹ. Ngược lại, đối với người con trai, khi đã bắt một cô gái về làm vợ, phải coi cô gái đó như là người nhà, nếu trả lại phải nộp phạt cho nhà gái. "Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền để giáo dục cho các cháu. Các giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên chia sẻ, nâng cao nhận thức. Nhà trường cũng đã kết hợp với địa phương, để thành lập các đoàn để đi vận động các gia đình, các cháu" - thầy Huyến nói.
Thanh niên huyện Vân Hồ, Sơn La trong một buổi tập huấn về bình đẳng giới. |
Thực tế cho thấy, công tác Đoàn đã phát huy vai trò tích cực trong việc thay đổi, cải tiến tập tục này. Anh Mùa A Rê, một người đang tham gia công tác Đoàn của bản Pa Chè 1, xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La cho biết: Trong 30 hộ gia đình có thành viên tham gia vào công tác Đoàn tại địa phương, không có bất cứ hộ nào đi bắt vợ hay tảo hôn.
Ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho biết, trong 10 đôi kết hôn trên địa bàn xã hiện vẫn còn khoảng 7 đôi tảo hôn. Điều này đến từ nhiều lý do như quen nhau qua mạng, thích nhau, cần người lao động... UBND xã phối hợp với nhà trường, các đoàn thể, làng bản để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để giảm tình trạng tảo hôn và tục bắt vợ. |
Theo TPO |