Hành trình liều lĩnh với... trái tầm bóp

(CTG) 'Tôi đã chọn con đường ấy, dù rất liều lĩnh. Trái tầm bóp có vị rất ngon, lại rất tốt cho sức khỏe, tại sao không thương mại hóa loại trái cây này?', Bùi Thị Nga, người khởi nghiệp bằng trái tầm bóp nhận xét.

 

Bùi Thị Nga (giữa) ở vườn tầm bóp. ẢNH: NGUYỄN DUNG

Trái tầm bóp mọc (có nơi gọi thù lù hoặc quả lồng đèn) hoang đầy vườn tược ở mỗi làng quê, mùa trái chín thì vàng ruộm như đèn lồng đã không xa lạ với tuổi thơ của nhiều người. Nhưng nâng tầm giá trị của tầm bóp, chọn khởi nghiệp với nó lại là một hành trình khác.

“Tôi đã chọn con đường ấy, dù rất liều lĩnh. Trái tầm bóp có vị rất ngon, lại rất tốt cho sức khỏe, tại sao không thương mại hóa loại trái cây này?”, Bùi Thị Nga (32 tuổi, ở H.Cát Tiên, Lâm Đồng), người khởi nghiệp với trái tầm bóp, bộc bạch. Cô được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của về những thành tích xuất sắc trong nông nghiệp.

Khao khát làm điều khác biệt

Bùi Thị Nga tốt nghiệp ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cô từng làm cho một dự án phi chính phủ của Mỹ về nông nghiệp. Cô luôn khao khát làm điều gì đó khác biệt và góp phần thay đổi tích cực cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Lúc nào Nga cũng trăn trở về việc nhiều nông sản Việt Nam bị thương lái Trung Quốc đến ép giá đến độ thê thảm, tệ hơn là bị bỏ không thu mua. Hoặc đau lòng hơn, có những loại trái cây, loại 1 thường ưu tiên để xuất khẩu, người dân trong nước chỉ ăn trái loại 2, 3.

Cũng theo cô cử nhân Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trái tầm bóp rất giàu vitamin A, C, B3 và một số khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho. Riêng về vitamin A, trên cùng một trọng lượng, tầm bóp có thể cao gấp 13 lần quả phúc bồn tử, gấp 60 lần quả dâu, 10 lần quả cherry, gấp 3 lần quả việt quất.

Tháng 1.2019, cô quyết định thành lập Công ty Song Nga, xây dựng nhãn hiệu PhysalisViệt Nam. “Mong muốn của tôi là người Việt sẽ được tiếp cận loại trái cây mới, tốt như thuốc là tầm bóp, rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người dân Việt Nam dùng đủ rồi thì mới xuất khẩu. 100 triệu người Việt Nam là con số không hề nhỏ nếu so với thị trường Nhật hoặc Hàn Quốc”, cô chủ trẻ khẳng định.

Cây tầm bóp được trồng ở H.Cát Tiên.

“Chiến binh ra chiến trường với đôi chân trần”

Bắt tay vào làm với trái tầm bóp, khó khăn bủa vây Nga. Có khi vì nông dân không tin tưởng vào loại cây trồng quá mới này nên bỏ dở vườn tược giữa chừng, có khi thiên tai khiến cây đổ ngã phải dẹp bỏ. Lúc thì dịch bệnh hoành hành, có những lúc dự án rơi vào bế tắc có nguy cơ phải dừng lại.

Cô tâm sự: “Từ một người chỉ học về kỹ thuật, tôi bước vào nghiên cứu và ra đời kinh doanh với cái túi 0 đồng, đúng như một chiến binh lao ra chiến trường chỉ với đôi chân trần và 2 bàn tay trắng”.

Đến nay, sản phẩm của Nga bán 100% nội địa. Sau những lần đàm phán khó khăn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, trái tầm bóp của cô đã có mặt trên 63 tỉnh thành Việt Nam và trong các chuỗi siêu thị lớn như Coop Mart, Big C, Bách hóa xanh. Hiện cô đang tiếp tục đàm phán để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi nhà hàng, tiệm bánh khác. Tất cả sản phẩm đưa ra thị trường đều do công ty cô chủ động sản xuất, tuyển lựa nông dân và ký hợp đồng độc quyền bao tiêu. Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp luôn làm việc cùng và theo sát với bà con, để sản phẩm trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Thu hoạch trái chín bằng tay, hàng được chứa trong khay nhựa sạch sẽ và vận chuyển ngay về kho.

Điều quan trọng để bà con nông dân Lâm Đồng luôn sát cánh cùng Nga là giá mua không thay đổi suốt thời gian cung cấp, để ai cũng yên tâm sản xuất, không lo “được mùa mất giá”.

Nâng tầm giá trị của loại trái tầm bóp dân dã, công ty khởi nghiệp của Nga còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 thanh niên và hơn 50 lao động thời vụ ở quê hương Lâm Đồng.

Theo TN