Anh Lê Huỳnh Đức, phó bí thư Ban cán sự Đoàn tại Nga: Có giải thưởng riêng cho sinh viên Việt ở nước ngoài
Hiện nay, số lượng đoàn viên, thanh niên Việt Nam học tập, sinh sống, lao động ở nước ngoài ngày càng tăng. Chỉ tính riêng tại Nga đã có hơn 3.500 đoàn viên, thanh niên. Đây là lực lượng đông đảo, có trình độ, nhận thức cao, có tinh thần cống hiến, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc.
Do đó, tôi mong rằng Trung ương Đoàn sẽ tạo điều kiện, quan tâm hơn nữa tới công tác Đoàn ngoài nước thông qua các hoạt động như giúp đỡ các tổ chức Đoàn hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, định kỳ tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình thanh niên, công tác Ðoàn ở ngoài nước, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Ðoàn, Hội cho cán bộ phụ trách công tác thanh niên ở ngoài nước.
Chúng tôi cũng mong mỏi tổ chức Đoàn sẽ nghiên cứu thêm những hình thức giải thưởng dành riêng cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, thanh niên kiều bào xuất sắc.
Một đề xuất nữa là mong muốn Trung ương Đoàn hỗ trợ kinh phí tối thiểu để các tổ chức Đoàn ngoài nước hoạt động. Kinh phí còn lại sẽ được huy động từ các nguồn xã hội khác.
TS.BS Lê Ngọc Hòa Nhã, Đại học Semmelweis, Budapest, Hungary: Kết nối, thu hút các bạn trẻ gốc Việt
Hoạt động Đoàn, Hội ở nước ngoài có những đặc thù, thuận lợi và thử thách rất riêng. Đặc thù của các hoạt động sẽ tùy thuộc vào thể chế chính trị của nước sở tại, mối quan hệ ngoại giao giữa nước bạn và nước ta.
Ở Hungary, Hội Sinh viên Việt Nam đã được thành lập, trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, do đó hoạt động Đoàn, Hội mang tính song hành cùng với các hoạt động Hội, cho nên triển khai và hoàn thành cũng dễ dàng hơn.
Ở Hungary, hằng năm có các chương trình hỗ trợ tân sinh viên vào tháng 9, khi các sinh viên học bổng chính phủ hoặc tự túc bắt đầu nhập học. Đây là một trong những hoạt động mang tính kế thừa, có truyền thống từ lâu. Ngoài ra, trong học tập còn có các chương trình hướng dẫn của từng ngành do các sinh viên thế hệ trước giúp đỡ thế hệ sau.
Vào dịp lễ Giáng sinh, chúng tôi còn tổ chức chương trình Giáng sinh cho em nhằm gây quỹ, làm quà cho các cơ sở nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ ở nước sở tại, cho thấy tinh thần tương thân tương ái được phổ biến rộng rãi không chỉ trong người Việt Nam mà còn với đất nước bạn.
Trong thể thao, chúng tôi cũng có các sự kiện giải bóng đá, cầu lông, không chỉ thu hút lượng sinh viên mà còn có cả lượng thanh niên, các bạn trẻ gốc Việt tham gia.
Cũng không thể không nhắc đến những hoạt động tích cực của các sinh viên trong việc giúp sức ở những sự kiện cộng đồng do Hiệp hội Người Việt Nam tổ chức như Tết cổ truyền, Tết Trung thu, lễ Vu lan… và tổ chức các workshop hướng nghiệp đa ngành dành cho các bạn sắp ra trường.
Hiện tại, điều làm cho tôi trăn trở là việc kết nối, thu hút các bạn trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở đây, vì nhìn chung tập quán sinh hoạt, tư tưởng sống giữa họ và sinh viên Việt Nam vẫn còn những khập khiễng chưa khớp được với nhau. Do đó các hoạt động Đoàn, Hội cũng khó có thể phổ biến rộng khắp trong nhóm này.
Bạn Hoàng Thị Hạnh Trang - phó bí thư Ban cán sự Đoàn tại Trung Quốc: Làm sao để du học sinh trở về?
Một điều mà cá nhân tôi đã trăn trở khá lâu trong thời gian du học ở nước ngoài là làm sao để du học sinh Việt Nam - trong đó có tôi - ấp ủ khát khao trở về cống hiến cho nước nhà, trở về thực sự có cơ hội phát huy hết năng lực và vận dụng tối đa, không lãng phí những kiến thức đã học được tại nước bạn, với những đãi ngộ tương xứng, đặc biệt là những du học sinh có nguyện vọng đi theo con đường nghiên cứu học thuật hay làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Ban cán sự Đoàn nói riêng và đông đảo du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc nói chung đều mong muốn thời gian tới sẽ được kết nối, giới thiệu và được tham gia, được đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động đối ngoại nhân dân trong các khuôn khổ hợp tác của hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kết nối với nhiều trí thức trẻ và thanh niên trong nước.
Gần ba năm nay, có thể nói du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đã và đang phải trải qua những tình hình khá đặc thù so với các nước khác.
Từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, hầu hết du học sinh Việt Nam đã về nước ăn Tết và không thể quay lại Trung Quốc. Vì vậy, du học sinh phải ở lại trong nước học tập trực tuyến suốt gần ba năm, gặp phải không ít khó khăn, bất ổn cả về việc học cũng như về đời sống và tinh thần.
Trong thời gian học trực tuyến, một bộ phận du học sinh đã tạm bảo lưu việc học hoặc tốt nghiệp trực tuyến, thậm chí có một số bạn từ khi nhập học đến khi tốt nghiệp hoàn toàn ở trong trạng thái "du học online".
Còn lại, phần lớn du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc trước mắt vẫn đang học online ở trong nước và phân bố trên khắp các tỉnh thành, tạo nên sự phân tán và thiếu ổn định về đối tượng, phạm vi của các hoạt động, phong trào tập thể, đồng thời tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của du học sinh, bao gồm cả những cán bộ Đoàn - Hội như tôi.
Do đó, để vượt qua những thử thách này, chúng tôi mong mỏi sự chung tay góp sức, tương trợ lẫn nhau của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cũng như sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc kịp thời của các cơ quan, ban ngành để giúp đỡ du học sinh.