Hiệu quả từ chương trình cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế ở Bá Thước

(CTG) Là một trong những địa phương có số lượng lao động trong độ tuổi thanh niên lớn so với 11 huyện miền núi của tỉnh, những năm trước tình trạng thanh niên thất nghiệp phải rời quê hương đi làm ăn xa là một thực tế đáng lo ngại ở Bá Thước.




Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của thanh niên Hà Văn Hoàn, thôn Kéo, xã Điền Trung (Bá Thước) cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.


Để từng bước hạn chế tình trạng trên, vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) luôn được xem là một trong những giải pháp có tính cấp bách hàng đầu. Chương trình cho ĐVTN vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế trong những năm qua được huyện Bá Thước triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, thị trấn.

Để chương trình phát huy hiệu quả, ban chấp hành huyện đoàn, đoàn thanh niên các xã, thị trấn đã tích cực tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chương trình vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, một số chương trình tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, nhận thức của ĐVTN đã từng bước  thay đổi. Từ chỗ phần lớn ĐVTN còn ỷ lại, e ngại khi bắt đầu tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như chưa có định hướng để phát triển kinh tế, giờ đây phong trào thanh niên nỗ lực vươn lên thoát nghèo, lập thân, lập nghiệp đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện, từ đó  xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi.

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh Hà Văn Hoàn (thôn Kéo, xã Điền Trung) khoe: “Từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện đoàn, em đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp (nuôi dê,  dúi, gà rừng, lợn rừng) cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm”. Không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động của trang trại, anh Hoàn còn tích cực tìm hiểu  kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi qua sự trợ giúp của cán bộ nông nghiệp, trên Internet, đồng thời nắm thị hiếu, nhu cầu của thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Trường hợp anh Trương Văn Giang ở thôn Bái Tôm, xã Điền Quang cũng là một trong những tấm gương điển hình. Với 50 triệu đồng được vay vốn, anh đã đầu tư phát triển trồng rừng và hiện đã có  18 ha rừng,  thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm. Hay như anh Hà Văn Huân ở thôn Trúc, xã Điền Trung có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm từ sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Bí thư Huyện Đoàn Bá Thước Hà Nam Khánh, cho biết: Thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế ở huyện Bá Thước có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó, nhiều ĐVTN đã tự ý thức và hăng say phát triển kinh tế. Tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như việc rời bỏ quê hương đi làm ăn xa đã từng bước được hạn chế. Các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế cho ĐVTN cũng đã phát huy  hiệu quả. Đến nay, tổng số vốn cho ĐVTN vay trên địa bàn  huyện Bá Thước ước tính đạt gần 40 tỷ đồng. Các câu lạc bộ, mô hình thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được nhân rộng khắp các xã trong huyện tạo thành phong trào thi đua có sức lan tỏa  trên địa bàn, với những mô hình tiêu biểu như: sản xuất vật liệu xây dựng ở xã Điền Trung; trồng mía ở các xã: Điền Quang, Lương Ngoại, Lương Trung; trồng rừng kết hợp chăn nuôi ở xã Ban Công; chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn rừng... ở các xã Thiết Ống, Lương Trung, Lương Ngoại, Điền Quang, Điền Trung...

Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế trên cơ sở nắm vững tình hình thực tế ở từng địa bàn, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của  ĐVTN, qua đó có sự định hướng, trợ giúp ĐVTN từ lúc tiếp cận vốn vay cho tới khi triển khai các mô hình phát triển sản xuất phù hợp.

 
Theo baothanhhoa.vn