Đại biểu Võ Lập Phúc - Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM. |
Đại biểu Võ Lập Phúc - Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, đối tượng nào thì phong trào đó. Phong trào là điểm hội tụ về hành động và nhận thức của một khối đông lực lượng, mà trước hết và quan trọng nhất đó là ở tính hiệu triệu. Muốn có được sự hiệu triệu, phong trào “Sinh viên 5 tốt” phải phù hợp với đặc tính của chính sinh viên. Vì vậy, đổi mới phong trào để “bắt nhịp”, “mang hơi thở” của sinh viên thế hệ Z, tiệm cận thế hệ Alpha, để phong trào luôn sức hiệu triệu và để minh chứng cho tinh thần luôn đổi mới, lấy sinh viên làm trung tâm.
“Trong bức tranh chung của phong trào sinh viên quốc tế đang không ngừng vận động và phát triển; phong trào ‘Sinh viên 5 tốt’ với vai trò là phong trào ‘xương sống’ của sinh viên Việt Nam phải tích cực làm mới mình để trở thành phong trào định hình bản sắc của sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, đại biểu Võ Lập Phúc nói.
Trần Thị Kiều Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM. |
Còn Trần Thị Kiều Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, đã khái quát bức tranh tổng thể đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt” bằng 3 từ khoá: Định hình; Mặt trận số; Sức sống mới.
Theo Trần Thị Kiều Anh, tổng hòa chung các cách làm, giải pháp mới đã tạo nên sức sống mới của phong trào. “Chúng tôi đã tập trung đổi mới thông qua củng cố quan điểm triển khai; đa dạng giải pháp tạo môi trường; mở rộng kết nối, phát huy sau tuyên dương; liên kết quá trình từ học tập, rèn luyện đến lập thân, lập nghiệp của sinh viên”, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM nói.
Mai Hải Yến - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TPHCM. |
Là một cán bộ Hội trực tiếp triển khai phong trào tại cơ sở, đại biểu Mai Hải Yến - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TPHCM nhìn nhận những vấn đề khiến phong trào chưa tương xứng với kỳ vọng của sinh viên và tổ chức Hội.
Thứ nhất, về mức độ nhận diện phong trào, Mai Hải Yến muốn đề cập đến sức lan toả của phong trào đến xã hội được biểu hiện bằng 318 triệu kết quả tra cứu cụm từ “Sinh viên 5 tốt” trên Google. Tuy nhiên, giữa mức độ nhận diện và sự ghi nhận, đánh giá về phong trào vẫn còn chưa tương xứng.
Vẫn có bộ phận sinh viên chưa biết đến phong trào, hoặc biết nhưng chưa hiểu rõ về nội hàm “5 tốt”, chưa có cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của phong trào nên đâu đó tình trạng chạy theo thành tích, khen thưởng. Với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, theo khảo sát của TPHCM, số lượng biết đến hay xem đây là điểm cộng cho nhân sự ứng tuyển còn khá ít, mặc dù khi phân tích những tiêu chí của phong trào luôn tìm được điểm chung với những yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân sự.
Vì lẽ đó, đoàn đại biểu đến từ Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM đã kiến nghị những giải pháp để đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt” như: Mở rộng không gian, phạm vi để sinh viên lựa chọn tham gia, rèn luyện, cổ vũ sinh viên tự do lựa chọn nội dung và phương thức đa dạng, hình thành hệ sinh thái hoạt động “không có biên giới”, “không có rào cản” và ghi nhận một cách đầy đủ, khách quan, thành một hệ dữ liệu thông suốt cho các cấp bộ Hội.
Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng tiếp cận là học sinh trung học phổ thông, kết nối quá trình rèn luyện từ “Học sinh 3 tốt” đến “Sinh viên 5 tốt”; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp ứng dụng, chuyên trang trực tuyến trong ghi nhận quá trình rèn luyện, xét trao danh hiệu; Kết nối cộng đồng cựu “Sinh viên 5 tốt” thành đạt, có sức ảnh hưởng, duy trì mô hình Câu lạc bộ, phát huy gương sau tuyên dương trên môi trường trực tuyến; Phát huy nhiều hơn mô hình một “Sinh viên 5 tốt” hỗ trợ một hoặc nhiều sinh viên tiệm cận đạt danh hiệu.
Vũ Thu Hằng - “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện đoàn đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội tham luận với chủ đề: Giải pháp đẩy mạnh các hoạt động tạo môi trường định hướng, vun đắp lý tưởng sống cho sinh viên trong bối cảnh mới.
Vũ Thu Hằng - “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Theo Vũ Thu Hằng, trước hết, các cán bộ Hội cần được quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của các hoạt động tạo môi trường định hướng, vun đắp lý tưởng sống cho sinh viên. Mỗi cán bộ Hội cần tâm niệm sâu sắc về tầm quan trọng của việc định hướng được lý tưởng sống cao đẹp, khát vọng chân chính trong sinh viên, và hiểu rõ đây sứ mệnh xuyên suốt của Hội Sinh viên Việt Nam qua mọi giai đoạn lịch sử. Từ việc hiểu đúng, hiểu đủ về giá trị của nhiệm vụ này đối với sinh viên và đối với tổ chức Hội, cán bộ Hội các cấp mới có thể có đủ quyết tâm và sự sáng tạo để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
“Hội Sinh viên Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu tổ chức có hiệu quả các chương trình tuyên truyền về tính ưu việt, giá trị tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, về lý tưởng cách mạng của Đảng, về mục tiêu khát vọng của Đất nước và dân tộc. Đặc biệt với sứ mệnh của một tổ chức chính trị xã hội, Hội Sinh viên Việt Nam cũng cần tăng cường triển khai các cách làm sáng tạo, sinh động, phù hợp tâm lý để sinh viên dễ tiếp cận và có sự yêu thích đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn”, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
Về mặt phương thức, Vũ Thu Hằng cho rằng, cần xác định rõ các giải pháp giáo dục lý tưởng của Hội Sinh viên đều phải thông qua thực tiễn và gắn với tập thể, cộng đồng. Dù trên nền tảng trực tuyến hay hoạt động trực tiếp, điều quan trọng là việc tạo ra những hoạt động thực tế để sinh viên tự mình trải nghiệm, tìm hiểu và xây dựng niềm tin, tình cảm cao đẹp từ thực tiễn, tránh tối đa cách làm hình thức, lý thuyết suông hoặc áp đặt giá trị.
Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nói thêm: “Cần tăng cường xây dựng hệ thống kết nối sinh viên để cùng học, cùng chia sẻ như câu lạc bộ đội nhóm, cộng đồng liên kết trường, liên kết ngành… để xây dựng và chia sẻ giá trị và lý tưởng một cách bền vững”.
CTG