Học cách ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tăng thu nhập

(CTG) Sau khi được tập huấn, nhiều thanh niên cho biết sẽ áp dụng những kiến thức khoa học trên chính mảnh đất, thửa ruộng của mình để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Thanh niên tham quan mô hình trồng lan tại Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi, TP.HCM - Lê Thanh

Ngày 21.9 tại TP.HCM, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ (T.Ư Đoàn) tổ chức “Tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ cho thanh niên” khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Tiền” năm 2019.

Để năng suất cao hơn

Hoạt động thu hút 130 thanh niên ở các tỉnh, thành gồm: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bến Tre và TP HCM tham gia tiếp cận những kiến thức khoa học nông nghiệp công nghệ cao vào quá trình trồng trọt nhằm đạt năng suất cao hơn.

Anh Lê Quang Thiện (29 tuổi), ngụ tại ấp 4, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), cho biết: “Tôi có một trang trại hơn 10 ha. Trên diện tích ấy hiện tôi đang trồng các loại cây ăn trái như quýt đường, cam sành và bưởi da xanh, với lợi nhuận thu về mỗi năm hơn 3,5 tỉ đồng”.

Thanh niên tham gia chương trình “Tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ cho thanh niên” tại TP.HCM - Lê Thanh

Mặc dù với mức lợi nhuận thu về hàng năm như thế nhưng theo anh Thiện vẫn chưa cao do chưa áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc như việc tưới tiêu và phun thuốc mình vẫn còn làm theo kinh nghiệm truyền thống nhiều hơn.

Sau khi nghe thạc sĩ Hoàng Đắc Hiệt, Trưởng phòng nghiên cứu cây giống và vật nuôi Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, giới thiệu về các mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và có khả năng chuyển giao để cho thanh niên áp dụng vào sản xuất, anh Thiện, nói: “Mình thấy công nghệ tưới và phun phân, thuốc tự động cho cây rất hay nên sau buổi tập huấn này về mình sẽ về áp dụng công nghệ này vào trang trại, chứ lâu nay mình việc tưới và phun phân, thuốc vẫn còn theo cách thủ công truyền thống nên rất tốn công sức và lãng phí rất nhiều”.

Theo thạc sĩ Hoàng Đắc Hiệt, mô hình tưới tự động, đồng thời kết hợp tưới phân, thuốc qua hệ thống tưới nhỏ giọt có hệ thống điều áp được chúng tôi áp dụng từ rất lâu và rất hiệu quả. Hệ thống này có thể sử dụng trên những địa hình khác nhau làm cho việc tưới nước và bón phân trở nên đơn giản, thuận tiện và tiết kiệm thời gian, kinh tế cho người nông dân rất nhiều”.

Thanh niên tham quan mô hình ươm giống cây trồng tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi, TP.HCM - Lê Thanh

Ươm cây giống theo lối công nghiệp là một mô hình cần học hỏi áp dụng. Theo thạc sĩ Hoàng Đắc Hiệt, đây là công nghệ đã được áp dụng phổ biến từ lâu ở các nước tiên tiến. Cây rau giống được ươm trên vỉ với giá thể trộn sẵn. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được đặt trong nhà ở điều kiện sạch sẽ. Tuỳ mức độ đầu tư, người ta có thể cơ khí hoá, tự động hoá đến 80-90% các khâu công việc. Cây giống ươm sẵn đem lại cho người trồng rau nhiều lợi ích như chủ động thời vụ và kế hoạch trồng trọt, không bị lỡ vụ, chọn được cây giống có chất lượng tốt đồng đều.

Sau khi được tập huấn, không chỉ anh Lê Quang Thiện mà nhiều thanh niên khác cũng cho biết sẽ áp dụng những kiến thức thu thập được để áp dụng trên chính mảnh đất, thửa ruộng của mình.
Anh Phạm Tường Duy (30 tuổi), ngụy tại huyện Tân Trụ (tỉnh Long An), chia sẻ: “Mình có 1,2 ha đất ruộng nhưng lâu nay chỉ biết trồng lúa, mà trồng lúa thì thu nhập không cao. Sau khi được tham quan tận mắt các mô hình trồng trọt tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM mình có ý tưởng sẽ dùng một phần diện tích đất để thí điểm cho việc chuyển đổi cây trồng”.

Xu thế tất yếu

Tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên về cách làm nông nghiệp công nghệ cao trong chương trình tập huấn - Lê Thanh

Nói chuyện với thanh niên về chuyên đề: “Hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, gia tăng bền vững”, tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho rằng: “Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu, là nội dung chủ yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở hầu hết các quốc gia. Bởi vì, ưu thế tạo được khối lượng hàng hóa lớn, đạt năng suất cao và chất lượng tốt”.

Muốn làm được điều đó, tiến sĩ Đỗ Việt Hà, nói: “Thanh niên làm nông nghiệp phải thay đổi về nhận thức từ một nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang một nền sản xuất hàng hóa, mà nền tảng là ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới. Đặc biệt, phải biết ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tự động, công nghệ thông tin vào quy trình trồng trọt, sản xuất nông sản. Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kiến thức khoa học nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên”.

Đại diện Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ, T.Ư Đoàn (bên trái) và Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học nông nghiệp. - Lê Thanh

Dịp này, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ (T.Ư Đoàn) phối hợp với Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học nông nghiệp nhằm phát huy sức mạnh, huy động nguồn lực tổng hợp, góp phần nâng cao nhận thức cho thanh niên về tầm quan trọng của khoa học công nghệ, cũng như vai trò của thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn, phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo TN