Học ngành kỹ thuật sẽ không thất nghiệp ?

CTG - Dẫn đầu trong 9 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao đến năm 2030 nhưng lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp hiện không phải là lựa chọn đầu tiên của nhiều học sinh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, với khả năng tự tạo việc làm cao, sinh viên học các ngành này không lo thất nghiệp.

Thông tin này được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kỹ thuật và công nghiệp" chiều qua (28.3). Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Những ngành học luôn có khả năng tạo việc làm

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết theo số liệu báo cáo tổng kết tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, công nghệ kỹ thuật xếp thứ 3 về tỷ lệ tuyển sinh theo lĩnh vực đào tạo (chiếm trên 9%). Tuy nhiên tỷ lệ chọi thí sinh khi đăng ký xét tuyển khối ngành kỹ thuật không căng thẳng như một số lĩnh vực khác như kinh tế hay công nghệ thông tin.

Trong khi đó, tiến sĩ Thanh Hải nhận định: "Theo một số liệu dự báo nhu cầu nhân lực đến 2030, khối ngành kỹ thuật công nghiệp nói chung chiếm khoảng 35% - cao hơn khối ngành kinh tế dịch vụ xã hội. Trong dự báo 9 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao đến 2030 thì 1 trong 2 nhóm dẫn đầu có lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp".

Chọn ngành học cho tương lai: Học ngành kỹ thuật sẽ không thất nghiệp ? - Ảnh 1.

Các chuyên gia cùng trao đổi về việc lựa chọn ngành học từ những bài viết định hướng ngành nghề trong Cẩm nang tuyển sinh 2023 của Báo Thanh Niên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Giải đáp một câu hỏi bạn đọc gửi đến chương trình băn khoăn về cơ hội việc làm của khối ngành này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng một số ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi rất khắc nghiệt, thậm chí cao hơn nhiều ngành khối kinh tế, như: cơ khí ô tô, điện điện tử, tự động hóa… Nhưng trong cùng lĩnh vực này thì môi trường lại có tỷ lệ chọi thấp hơn, thậm chí có những năm tỷ lệ chọi chỉ ở mức 1/1 (tức thí sinh đăng ký tương ứng với chỉ tiêu cần tuyển). Ngược lại ở khối ngành kinh doanh quản lý, bên cạnh những ngành tỷ lệ chọi rất cao thì một số ngành tỷ lệ này ở mức rất thấp như: kinh tế học, kinh tế phát triển…

"Hiện nhu cầu của doanh nghiệp với người học là vừa giỏi chuyên môn vừa thành thục các kỹ năng như ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ cao trong lĩnh vực ngành nghề đó. Những sinh viên đáp ứng đủ các tiêu chí này sẽ có cơ hội việc làm cao và thu nhập tốt. Nhìn chung, với khối ngành kỹ thuật công nghệ, người làm việc trong lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin, ô tô, tự động hóa có nhu nhập cao hơn các nhóm khác", tiến sĩ Hải thông tin.

Tiến sĩ Hải nhấn mạnh: "Một điểm đặc biệt của các ngành kỹ thuật chính là sau khi tốt nghiệp người học hoàn toàn có thể tự tạo một công việc gì đó. Có thể nói đây là lĩnh vực ngành nghề rất vững chãi, có khả năng tự tạo việc làm cao".

Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: "Tôi mạnh dạn khẳng định người học kỹ thuật không có thất nghiệp. Nếu không làm được cho công ty lớn thì làm công ty nhỏ, không làm cho cơ quan nhà nước thì làm đơn vị tư nhân, thậm chí nếu không đi làm thì tự làm cho mình".

Học ngành kỹ thuật sẽ không thất nghiệp ? - Ảnh 2.

Nhiều câu hỏi của học sinh đã được các chuyên gia giải đáp trong chương trình

 

So sánh việc học ngành kỹ thuật với các lĩnh vực khác, PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, đánh giá: "Học kỹ thuật hiện nay không chỉ cần khả năng tính toán mà còn đòi hỏi rất cao sự sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề". Cùng góc nhìn này, tiến sĩ Võ Thanh Hải nói: "Hãy chọn ngành theo sở thích và đam mê, nếu quyết định khởi nguồn từ đây thì sẽ vượt qua được bất cứ khó khăn gì trong học tập và làm việc sau này".

Cần thành thạo ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ mới

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết một thực tế số lượng sinh viên học các ngành này ở các trường hiện không nhiều mặc dù đây là những ngành trụ cột phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. "Nhân lực khối ngành này luôn nhiều trong mọi thời điểm nhưng yêu cầu với sinh viên ngành này khác nhau trong từng giai đoạn. Trong thời điểm hiện nay, người học không chỉ cần nhuần nhuyễn kiến thức chuyên môn mà còn cần thành thạo các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ mới", ông Hải nói.

Giảm học phí, cấp học bổng để "hút" thí sinh

Trong khi đó, các trường ĐH có những chính sách nhằm thu hút người giỏi vào học các ngành kỹ thuật công nghiệp.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết Trường ĐH Duy Tân giữ ổn định phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Trong số 6.200 chỉ tiêu năm nay thì có 25% chỉ tiêu cho khối ngành kỹ thuật. Hiện nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành kỹ thuật của trường giữ ở mức ổn định, không tăng đột biến với khoảng 100 chỉ tiêu/ngành. "Trường giảm 30% học phí cho sinh viên theo học khối ngành này trong suốt khóa học nhằm thu hút người học vào khối ngành trụ cột phát triển đất nước. Ngoài ra, thí sinh đạt điểm cao trúng tuyển các ngành có cơ hội nhận học bổng toàn phần khi theo học các ngành này", ông Hải thông tin.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước cũng cho biết năm nay Trường ĐH Mở TP.HCM dự kiến tuyển khoảng 5.000 chỉ tiêu. Trong đó 2 ngành liên quan đến xây dựng mỗi năm tuyển được khoảng 300 sinh viên và tỷ lệ này ổn định nhiều năm nay. Trong năm học này trường có khoảng 30 tỉ đồng học bổng, trong đó khoảng 30% dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật công nghiệp.

Tiến sĩ Đinh Thị Thủy, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trường có nhiều cách thức khác nhau khi xét tuyển dựa vào học bạ THPT. Với quỹ học bổng 30 tỉ đồng, sinh viên của trường được giảm, miễn học phí hoặc có chính sách cho vay với lãi suất 0% nếu gặp khó khăn.

 

Lưu ý thêm với học sinh quan tâm khối ngành này, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân phân tích: "Thêm một đặc trưng trong xét tuyển đầu vào khối ngành kỹ thuật là các trường thường xét tuyển khối A (toán, lý, hóa). Nhưng những năm gần đây, một điểm rất khác là nhiều trường bổ sung thêm khối A1 (toán, lý, tiếng Anh). Điều này xuất phát từ thực tế những người làm trong lĩnh vực kỹ thuật cần khả năng tiếng Anh để tiếp cận công nghệ mới. Học kỹ thuật nhưng không chỉ học kỹ thuật mà còn học cả công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật, học khả năng giao tiếp nhưng bằng ngoại ngữ".

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước bổ sung: "Người học khối ngành này cần kiến thức về toán, suy luận chặt chẽ, tố chất mạnh mẽ - đây là đặc thù của ngành kỹ thuật". Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận đa phần người học kỹ thuật có tố chất cẩn thận, tư duy hệ thống và đầu óc chặt chẽ. Nhưng trước xu hướng có tính chất liên ngành hiện nay, ngành kỹ thuật vẫn phù hợp với những người có tư duy cởi mở. Vì lý do này các trường ĐH đang đầu tư nhiều vào đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Ví dụ như tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, sinh viên kỹ thuật vẫn phải chơi thể thao, tham gia các hoạt động văn nghệ, thậm chí tham gia cắm hoa trong các dịp đặc biệt.

 
Học ngành kỹ thuật sẽ không thất nghiệp ? - Ảnh 4.

Nhiều thông tin về tuyển sinh, đào tạo, cơ hội việc làm... khối ngành kỹ thuật trong chương trình tư vấn trực tuyến chiều qua

Theo TNO