Nếu không, chúng ta sẽ đi theo vết xe đổ của Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà HS tự tử như một trào lưu để tìm sự giải thoát.
Những cái chết thương tâm
Đáng báo động nhất là vụ 3 nữ sinh có học lực khá giỏi: Lê Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cùng sinh năm 1998, học lớp 7A Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) tự tử vào ngày 17.3. Nguyên nhân khiến các em tìm đến cái chết đến giờ vẫn chưa sáng tỏ, khiến cho cả xã hội bàng hoàng.
Hơn một tháng trước đây, em Lê Thị Hoa, HS lớp 9 Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tự tử vì bị nghi ngờ ăn cắp quần jeans trong một cửa hàng thời trang. Trước đó, em Trần Thị Thùy Tiên (sinh năm 1995, ở Đắk Lắk) treo cổ tự tử chỉ vì bị bố mẹ mắng...
|
Để gây sự chú ý ?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM), cho biết: “Lứa tuổi THCS chưa phát triển đầy đủ về suy nghĩ, dễ bốc đồng. Các em không có kỹ năng giải quyết tình huống, cho nên mỗi khi gặp chuyện buồn, không có ai chia sẻ, các em rất dễ tìm tới cái chết”. Bà Linh nhận định: “Thường thì các em chết chỉ vì để minh oan một vấn đề gì đó, hoặc để gây sự chú ý, để nhận được sự quan tâm của người khác...”.
Hết sức tâm tư, tiến sĩ Phạm Văn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Tâm lý và giáo dục Đồng Nai - kể rằng: “Các đồng nghiệp của tôi và những người hoạt động tư vấn tâm lý tại các tổng đài cho biết, họ đang quá tải với các câu hỏi từ khắp nơi gọi đến, trong đó đa phần là của HS và bạn trẻ. Điều đó cho thấy, các bức bối về tâm lý ngày càng gia tăng. Thực tế cũng cho thấy các em HS đang thiếu chỗ dựa tinh thần từ nhà trường và gia đình”.
Minh chứng rõ rệt nhất cho sự thiếu hụt này là ý kiến của các HS tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM vào cuối tháng 1.2012. Tại đây, nhiều HS đã thẳng thắn mong muốn lãnh đạo thành phố có chính sách để giảm giờ làm, giúp ba mẹ các em có được nhiều thời gian ở nhà, cùng trao đổi, nô đùa, tâm sự với các em. Ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5 (TP.HCM), thừa nhận: “Hiện nay, không ít phụ huynh phó mặc con em mình cho nhà trường, về phần họ thì vùi mài với công việc, nhằm để nuôi sống gia đình và làm giàu. Chính điều này khiến cho HS mất chỗ dựa vào những người thân khi các em buồn tủi, hoặc mắc sai lầm”.
Không chỉ thiếu sự quan tâm từ gia đình, HS hiện nay cũng không dễ tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông ở trường học. Tiến sĩ Phạm Văn Thanh cho biết: “Ở trường học, các thầy cô phải đua nhau dạy sao cho tỷ lệ HS càng giỏi càng tốt vì nó liên quan tới vấn đề xét thi đua, ít ai quan tâm tới những vấn đề về nhân cách, lối sống, tâm sinh lý của HS. Việc quan trọng là tư vấn, định hướng tâm lý cho các em thì chúng ta lại xem nhẹ”. Thực tế hiện nay ngành giáo dục đang rất thiếu các chuyên gia tâm lý. Như Báo Thanh Niên đã từng có bài phản ánh, phần lớn các phòng tư vấn học đường đều tạm bợ, cán bộ thì chỉ là giáo viên kiêm nhiệm.
Hình phạt khiến học sinh ấn tượng xấu về thầy cô |