Quang cảnh Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích". |
Tại Diễn đàn “Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích”, thay mặt Ban tổ chức, anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết 5 năm qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có nhiều hoạt động cổ vũ thanh niên sống đẹp, sống có ích, như: tuyên dương cá gương bạn trẻ vươn lên trong cuộc sống; tổ chức chương trình toả sáng nghị lực Việt góp phần lan toả các tấm gương có nghị lực vơn lên; xây dựng văn hoá đọc giới thiệu sách hay, hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương...
Tổ chức Hội cũng thăm hỏi động viên, tư vấn hỗ trợ việc làm cho đối tượng lầm lỡ, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng. Nhiều giải thưởng cổ vũ thanh niên sống đẹp, sống có ích.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên vẫn còn tồn tại, hạn chế. Vì vậy, tại diễn đàn “Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích” các đại biểu đã tập trung bàn thảo các nội dung: Thực trạng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, chấp hành pháp luật của thanh niên hiện nay; vai trò của các cấp bộ Hội trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên; gương thanh niên tiêu biểu, có việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; giải pháp phát huy gương thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực…
Bàn về vấn đề giúp đỡ thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương hòa nhập với cộng đồng, sống đẹp, sống có ích, chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng: Việc đưa những người yếu thế hòa nhập với cộng đồng là rất quan trọng. Vì vậy, Quận đoàn – Hội LHTN quận đã thành lập câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” với 20 thành viên, bao gồm 19 nam và 1 nữ, hầu hết là thanh niên sau cai nghiện. Hằng tháng câu lạc bộ đều tổ chức sinh hoạt, giao lưu giữa thành viên với đoàn viên thanh niên trên địa bàn nhằm giáo dục và định hướng giúp họ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống.
Hội LHTN Việt Nam quận Hoàng Mai cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm giáo dục pháp luật cho thanh niên, định hướng họ sống đẹp, sống có ích. Bên cạnh đó, chị Trang đề xuất, cần phải đổi mới phương thức tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên, cùng với việc tiếp nhận thông tin một chiều từ phía tuyên truyền viên thì cần phải có những biện pháp lắng nghe ý kiến phản hồi.
Theo đại đức Thích Trúc Tiếp, đại biểu tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: “Chúng tôi là những chức sắc tôn giáo, rất mong được đóng góp cho đất nước, cho thanh niên Việt Nam. Tôi cũng đã quan sát trong những ngày tham gia diễn đàn và tôi tin rằng, không có ai tại đây có lý lịch xấu cả. Vì vậy, tôi thiết nghĩ tại sao chúng ta không động viên một số người đã lỡ vi phạm pháp luật hoặc là nghiện ma túy chẳng hạn nhưng đã hoàn lương, cai nghiện… để tham gia Đại hội, để họ có động lực vươn lên. Chúng tôi muốn nói rằng, diễn đàn thanh niên cần tuyên dương những tấm gương thanh niên hoàn lương, những người sống đẹp, sống có ích để có được kinh nghiệm và hiểu hơn về công tác xã hội”.
Còn với đại biểu Hồ Đình Trí, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: “Tôi đã có thời gian 6 năm công tác ở trại giam nên thường xuyên tiếp xúc với các bạn thanh niên lầm lỡ. Để giúp họ hoàn lương thì không thể đến với họ với tư cách là cán bộ trại giam mà phải là người bạn. Chúng ta phải gần gũi, giúp họ hiểu ra những lầm lỡ để hoàn lương, sống có ích cho cộng đồng”.
Anh Trí cũng cho rằng, đội ngũ Bí thư Chi đoàn có vai trò rất quan trọng. Họ chính là những người gần gũi với thanh niên nhất nên có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng để các bạn trẻ sống tốt hơn. Vì vậy, tổ chức Đoàn – Hội cần đầu tư hơn nữa trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên, trong đó nền tảng gia đình là quan trọng nhất, đồng thời phải có sự vào cuộc của toàn xã hội.
Hải Đăng