Hội nghị ra mắt mạng lưới các cán bộ Đoàn/Hội hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương

(CTG) Ngày 27/02/2022, Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng các chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị ra mắt mạng lưới các cán bộ Đoàn/Hội hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương

 

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Trung ương Đoàn; các tỉnh Đoàn địa phương: Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Tháp; Các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đại diện các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (các tổ chức ươm tạo, không gian làm việc chung, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp,…); Các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương; Các Đoàn viên thanh niên, thanh niên các đơn vị.

Các chuyên gia, diễn giả đã tập trung trao đổi về vai trò kết nối, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tổ chức Đoàn và hệ thống cán bộ Đoàn trên toàn quốc.

Tại hội nghị, nhóm thực hiện nhiệm vụ Nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ quản lý các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và cơ sở nghiên cứu đào tạo, thuộc đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 đã giới thiệu sáng kiến thành lập mạng lưới cán bộ Đoàn/Hội hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo.

Đại diện Ban Điều hành Mạng lưới cán bộ Đoàn/Hội hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo đã trình bày quy chế, điều lệ hoạt động và giới thiệu danh sách thành viên Mạng lưới các cán bộ Đoàn/Hội hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại 4 địa phương: Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Đức Tùng – Chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát biểu tại hội nghị: Thực tế cho thấy, cũng giống như nhiều địa phương khác, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng và Đồng Tháp đã bắt đầu được lan tỏa nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn khá mới mẻ. Kiến thức về khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển doanh nghiệp còn non trẻ. Các hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức theo sự kiện mà chưa được truyền thông hệ thống. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, các cá nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và nguồn vốn. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương này được tiếp cận vốn tín dụng để thúc đẩy dự án khởi nghiệp cũng ở mức rất thấp, điều này cho thấy, với các hoạt động đơn lẻ của các địa phương như hiện nay, các chính sách hỗ trợ sẽ rất khó đến được với cộng đồng khởi nghiệp. Việc nâng cao năng lực, xây dựng mạng lưới, hỗ trợ hoạt động liên kết các tổ chức, cá nhân trên toàn là vô cùng cần thiết. Các kênh thông tin, các hoạt động hỗ trợ cần được xây dựng một cách đồng bộ, thường xuyên và đa dạng phục vụ mọi đối tượng và nâng cao hiểu biết cho các đơn vị, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các hoạt động kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái và mở rộng sang các khu vực lân cận là nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững trong khu vực.

Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết: Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương theo phương châm bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ, chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã phê duyệt kết quả Đề án khoa học “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Phạm vi không gian thực hiện của đề án bao gồm 22 huyện, thị, thành của 3 tỉnh. 7 lĩnh vực chính được các tỉnh thống nhất thực hiện trong đề án là: thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi ngành hàng và phát triển thương hiệu tiểu vùng (lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái); xây dựng vùng sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại du lịch sinh thái; quản lý tài nguyên nước và đa dạng sinh học tiểu vùng Đồng Tháp Mười; nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng và kết hợp với du lịch; khuyến nghị chính sách và cơ chế điều phối; đề xuất chương trình, dự án phát triển tiểu vùng liên quan đến phát triển nông thôn, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước. Tất cả những lĩnh vực trên đều là cơ hội cho các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ tại các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười có thể khởi nghiệp thành công.

Đại diện Tỉnh đoàn Thái Bình chia sẻ tại hội nghị: Sự liên kết, phối hợp giữa các Tỉnh đoàn địa phương trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn rời rạc, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức. Những hoạt động gần đây của các Tỉnh đoàn địa phương chủ yếu là sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của Trung ương và các địa phương, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các địa phương. Do đó, việc ra mắt mạng lưới cán bộ Đoàn/Hội hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương là rất cần thiết, là bước quan trọng đầu tiên để liên kết các địa phương, tận dụng nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo ý kiến của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Nghệ An chia sẻ mô hình Quỹ đầu tư khởi nghiệp VSV – NGhệ An Ventures là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm thuần Việt hiếm hoi trên thị trường đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở giai đoạn “pre-seed” và “seed” – giai đoạn then chốt và rủi ro nhất trong vòng đời của các startup. Quỹ hướng tới việc hỗ trợ các nhóm startup có đội ngũ sáng lập, sản phẩm tiềm năng và có khả năng tăng trưởng cao nhưng thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm và định hướng chiến lược để tăng trưởng đột phá. Việc thành lập Quỹ không phải dễ dàng, vì gặp nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và cả tư duy. Như sau tất cả, với sự nỗ lực của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền, Quỹ đã đạt được thỏa thuận về vốn giữa 19 nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dưới sự bảo trợ của tỉnh Nghệ An và được quản lý bởi quỹ VSV. Tham gia Quỹ có nhiều doanh nhân xứ Nghệ như ông Hồ Huy - Chủ tịch Taxi Mai Linh, ông Nguyễn Đình Hy - Giám đốc Công ty CP Toyota Vinh, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch quỹ Alba Charity, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Công ty Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An…Đây là minh chứng cho thành công trong việc liên kết các nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp.

Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia đông đủ của các đại biểu khách mời, đặc biệt là các thành phần thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 4 địa phương Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Tháp. Những ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất của các chuyên gia, diễn giả tại Hội nghị là rất có giá trị trong việc đánh giá và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tại của các địa phương phát triển một cách nhanh chóng và bền vững.