Đây là một đề án quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em cho cán bộ, đoàn viên, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, người chăm sóc trẻ và trẻ em.
Qua đó, tạo môi trường thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào những hoạt động, chương trình do tổ chức Đoàn, Hội, Đội thực hiện. Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đóng góp vào việc xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến những vấn đề của trẻ em.
Các đại biểu tham gia hoạt động Diễn đàn Trẻ em Quốc gia lần thứ 7, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 5-8/8/2023 |
Đề án cũng nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có môi trường học tập, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, được tham gia tìm hiểu về quyền và bổn phận của mình phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức, giúp trẻ em nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm của bản thân mình đối với sự phát triển của chính mình.
Qua những hoạt động đó nhằm nâng cao nhận thức về quyền và bổn phận của trẻ em, tích cực tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em tại gia đình, nhà trường và xã hội theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016. Bên cạnh đó, Đề án tạo điều kiện cho việc phát hiện và bồi dưỡng cho những trẻ em có năng khiếu, giúp trẻ phát huy được hết khả năng của mình.
Đề án đặt ra chỉ tiêu: 100% các tỉnh, thành Đoàn thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh; hằng năm tổ chức cho trẻ em tham gia các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức hoạt động lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em vào các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình công tác có liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.
Cùng đó, 100% các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn cấp huyện tổ chức tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em hằng năm; 100% cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội được tập huấn về kỹ năng làm việc với trẻ em hằng năm. Đối với các huyện, thị, thành Đoàn, 100% các đơn vị này tổ chức hoạt động cho trẻ em tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo địa phương cùng cấp.
Đối với Liên đội, 100% Liên đội tổ chức hoạt động lấy ý kiến trẻ em trong các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường và tổ chức các hoạt động gắn tuyên truyền về Luật Trẻ em; quyền tham gia của trẻ em trong năm học.
Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2027, có ít nhất 5 triệu thiếu niên trong các Liên đội Trung học cơ sở được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Đặc biệt là đến năm 2027, ít nhất 50 triệu lượt trẻ em được lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội. |
Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nêu trên, Đề án đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, xây dựng các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và tổ chức các hoạt động lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em, như: triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em”; tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, “Diễn đàn trẻ em”; Báo Tiền phong; Báo Thanh niên mở chuyên mục “Điều em muốn nói” trên các ấn phẩm của báo để lấy ý kiến của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm.
Theo TPO |