Jonathan Ive: Ngôi sao không lấp lánh

(CTG) Nói đến Apple, người ta chỉ nhắc đến Steve Jobs. Nhưng Jobs sẽ không thể tỏa sáng nếu không có Jonathan Ive.

Jonathan-IveJonathan Ive rất ít khi xuất hiện trước công chúng một phần do ông là người không muốn thu hút mọi ánh đèn về phía mình và một phần cũng là vì Steve Jobs (Jobs vừa rút lui khỏi vị trí Tổng Giám đốc Apple vào cuối tháng 8.2011 và chỉ giữ vai trò Chủ tịch) muốn tạo sự bí mật xung quanh mọi thứ về Apple để gia tăng “độ nóng” cho các sản phẩm sắp ra mắt của Hãng.

Thế nhưng, trong nội bộ Apple, nhà thiết kế 44 tuổi này lại rất nổi tiếng và được nhiều người mến mộ. Ông là người rất khiêm tốn và dễ chịu, không thích ồn ào và hay e thẹn, nhưng cũng rất tự tin, chịu cày và cực kỳ thông minh. Paola Antoneli, phụ trách bộ phận kiến trúc và thiết kế cho Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York, cho biết: “Khó có ai được lòng nhiều người và được ngưỡng mộ như Ive”.

Apple cũng không che giấu niềm tự hào về Ive cũng như công trình thiết kế của ông. Điều khiến Apple tự hào nhất là 6 trong số những tác phẩm của Ive, trong đó có chiếc iPod phiên bản đầu tiên, là một phần trong bộ sưu tập tại MoMA.

Nhà thiết kế đến từ Anh

Ive lớn lên ở vùng ngoại ô London và ngay từ nhỏ ông đã bị ám ảnh bởi niềm khát khao giải mã mọi huyền bí xung quanh mình. Ông luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Mọi vật xung quanh được làm ra như thế nào?”.

Sự đam mê tìm tòi đó đã giúp ông sớm bộc lộ tài năng khi còn là sinh viên thiết kế tại Newcastle Polytechnic (hiện là Đại học Northumbria) ở Anh. Trong suốt quá trình học việc tại tập đoàn tư vấn thiết kế Úc Roberts Weaver, ông đã thiết kế một cây bút có khối tròn trên đỉnh đầu. Nó chẳng nhằm mục đích gì, ngoài việc cho người sở hữu cây bút ấy có cái để đùa nghịch. “Cây bút đó đã nhanh chóng trở thành vật sở hữu yêu thích. Chúng tôi gọi mẫu thiết kế này là sản phẩm mang phong cách của Jony (tên gọi thân mật của Jonathan Ive), vì Jony đã mang cái tình vào mẫu thiết kế đó”, Clive Grinyer, khi đó là nhân viên tại Roberts Weaver, nhận định.

Grinyer cho biết ông đã có lần ghé sang căn hộ của Ive ở Newcastle (Anh) và rất sốc khi thấy hàng trăm mô hình của dự án thiết kế bộ dụng cụ microphone và hỗ trợ tai nghe chất đầy lên tận nóc căn hộ. Sự đam mê đó đã giúp Ive giành được phần thưởng thiết kế dành cho sinh viên từ Hội Nghệ thuật Hoàng gia, không chỉ 1 mà là 2 lần. Trong số đó có giải thưởng về mẫu thiết kế máy rút tiền do Pitney Bowes, nhà tài trợ cho cuộc thi, đặt làm. Giải thưởng này đã trao cho Ive cơ hội được học việc tại hãng công nghệ Mỹ này để nâng cao tay nghề.

Trong quá trình đi học, Ive đã nhiều lần đến California (Mỹ) để trình làng những tác phẩm của mình cho các công ty thiết kế ở Thung lũng Silicon. Chuyên viên thiết kế Robert Brunner, lúc đó làm việc tại công ty thiết kế Lunar Design, đã rất sửng sốt khi Ive cho ông xem một mô hình điện thoại rất duyên dáng có hình dấu hỏi. “Sản phẩm không chỉ có hồn mà còn rất ấn tượng về mặt kỹ thuật”, Brunner nhớ lại.

Vì thế, lúc ra trường, Ive đã có tiếng trong giới thiết kế tại Anh. Sau khi tốt nghiệp, Ive cùng với Grinyer thành lập công ty thiết kế Tangerine Design vào năm 1989. Nhưng ông không thể thuyết phục các công ty Anh đánh giá cao những thiết kế của mình. Ive thừa nhận ông không phù hợp với vai trò điều hành công ty và thuyết phục khách hàng, vốn đòi hỏi kỹ năng bán hàng. Do đó, năm 1992, ông đã đi tìm tương lai mới với Apple. Khi đó, Brunner đã trở thành người đứng đầu đội ngũ thiết kế tại hãng công nghệ này. Ông đã thuê Ive vào vị trí chuyên viên thiết kế cao cấp dưới trướng của ông.

Ngay từ đầu, Ive đã tạo được dấu ấn tại Apple. Nhưng những năm đó, Apple lại rơi vào tình thế khó khăn khi không thể định hình được con đường cải tiến của mình. Vào lúc ông thay Brunner trở thành chuyên gia thiết kế trưởng của Apple vào năm 1996 (khi đó, ông mới 29 tuổi), Apple đã sa sút nghiêm trọng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP năm 1999, Ive cho biết, trong suốt nhiều năm, các nhà thiết kế đã tạo ra những mô hình mới để rồi bị gửi trả lại. Bởi lẽ, nhà quản lý của họ khư khư bám vào nhóm sản phẩm họ muốn tập trung vào và quá coi trọng các con số marketing.

“Chúng tôi đã dần đánh mất bản sắc và chỉ nhìn vào các đối thủ để đi theo bước chân của họ”, Ive nhớ lại. Và kết quả là các sản phẩm của Apple cứ nhàn nhạt, không khác biệt gì so với các công ty công nghệ khác.

Jonathan-Ive-Steve-JobsTháng 7.1997, Steve Jobs quay trở lại Apple sau 12 năm bị hất cẳng, đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Với quyền lực trong tay, Jobs nhanh chóng đưa ra kế hoạch cải tổ Apple. Song song với việc khai tử các sản phẩm của Apple, chỉ giữ lại 4 trong số 60 sản phẩm, Jobs đã săn lùng khắp thế giới để tìm kiếm một ngôi sao thực sự về thiết kế. Ông đã cân nhắc việc mời các tên tuổi nổi tiếng như Richard Sapper, người thiết kế chiếc laptop Thinkpad của IBM, nhà thiết kế ôtô Giorgetto Giugiaro hay nhà thiết kế/kiến trúc sư Ettore Sotsass. Nhưng khi nhìn qua lý lịch của Ive, Jobs nhận thấy người mình cần đang ở ngay trước mắt. Ngay lập tức, ông đã cất nhắc Ive vào vị trí Phó Chủ tịch cấp cao Bộ phận Thiết kế Công nghiệp.

Trong khi Jobs vạch ra định hướng và khơi nguồn cảm hứng cho Apple thì Ive là người đưa nguồn cảm hứng ấy trở thành hiện thực. Sự thành công trong cải tiến của Apple phần lớn là nhờ sự ăn ý giữa nhà thiết kế người Anh và ông chủ quyền lực này. “Jobs nhận thấy Jony là người biết cách làm thế nào để đưa tầm nhìn của ông trở thành hiện thực, thậm chí là hoàn thành sứ mệnh vượt mong đợi của Jobs. Và Ive đã làm được điều đó từ lần này đến lần khác”, Chee Pearlman, Giám đốc Chee Company, một công ty chuyên về thiết kế, nhận định.

Cặp bài trùng Jobs - Ive

Với việc Jobs quay trở lại và Ive là người dẫn dắt về phong cách thiết kế, Apple một lần nữa tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế và tạo ra những sản phẩm nhanh chóng trở thành cơn sốt trên thị trường, đưa Công ty quay trở lại bục vinh quang. Bắt đầu là với sản phẩm iMac.

Với iMac, Apple đã tạo ra một sản phẩm “tất cả trong một”, thân thiện với người sử dụng và được bao bọc bởi một lớp vỏ màu xanh. Để làm cho lớp vỏ bằng nhựa của iMac trở nên hấp dẫn mà không trông có vẻ rẻ tiền, Ive đã viếng thăm một nhà máy kẹo, nghiên cứu quá trình tạo ra loại kẹo nổi tiếng Jelly Bean để lớp vỏ của iMac có được độ bóng đẹp và sặc sỡ như lớp vỏ của Jelly Bean.

“Khi nhìn thấy nó (iMac), chúng tôi biết rằng đã có được sản phẩm mình trông đợi bao lâu nay. Và với sự mở đường của Jobs, chúng tôi đã có thể làm cho điều đó xảy ra”, Ive trả lời phỏng vấn vào năm 1999.

Vào thời điểm tung ra iMac, hầu hết các máy tính đều có hình dạng vuông vức và chủ yếu là dùng màu đen, màu be hoặc xám. Trong khi đó, chiếc iMac có hình bầu tròn, sử dụng những tông màu sáng. Lối thiết kế phá cách đã khiến người tiêu dùng lên cơn sốt vì nó. Tính đến cuối năm 1998, Apple đã bán được 800.000 chiếc iMac (chiếc iMac đầu tiên được tung ra vào tháng 8.1998).

Điều đáng nói là iMac đã làm thay đổi cách người tiêu dùng suy nghĩ về máy tính Cá nhân và về Apple. Sản phẩm này đã tạo cú hích mạnh mẽ cho Apple, giúp mở ra một thời đại mới của các sản phẩm điện tử tiêu dùng nhiều màu sắc, thú vị và đầy cá tính.

Với sự dẫn dắt về thiết kế của Ive, Apple sau đó đã cho ra đời những cú hích tiếp theo. Đó là chiếc iPod vào năm 2001, iPhone năm 2007 và iPad năm 2010. Trong những năm gần đây, Apple hầu như bỏ hẳn các gam màu sáng, ưa chuộng màu đen, trắng và bạc. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn giữ lại tính đơn giản, khiến chúng trở nên gần gũi với phần lớn người tiêu dùng. Apple vẫn tập trung làm nổi bật những đường cong quyến rũ và dáng vẻ bên ngoài rất đắt tiền của các sản phẩm.

Kết quả là các sản phẩm của Apple ngày càng trở nên phổ biến. Cơn sốt tiêu dùng đã đưa Apple qua mặt Microsoft trở thành hãng công nghệ có giá trị nhất thế giới vào năm ngoái và mới đây là qua mặt Exxon Mobil trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Thách thức mới

Với việc Jobs từ chức Tổng Giám đốc mới đây, Apple phải chứng tỏ là Công ty vẫn có thể tiếp tục cho ra đời những sản phẩm khiến người ta phải ngoái đầu lại nhìn khi không còn sự dìu dắt của vị lãnh đạo tài ba này. Giám đốc Hoạt động Tim Cook, giờ là Tổng Giám đốc, sẽ là gương mặt xuất hiện trước công chúng đại diện cho Apple.

Thế nhưng, trên nhiều phương diện, áp lực thực sự lại rơi vào Ive vì ông phải đảm bảo Apple sẽ tiếp tục cho ra đời một loạt các thành công mới. Ive là người đã dẫn dắt đội ngũ thiết kế của Apple kể từ giữa thập niên 1990 và hơn ai hết, ông là người hiểu rất rõ định hướng và tầm nhìn của Jobs qua những năm tháng sát cánh cùng vị CEO huyền thoại này.

Trong nhiều phương diện Jobs và Ive đã đóng góp và bổ sung cho nhau, người này làm nên thành công của người kia và ngược lại. Trong khi Jobs cần Ive để hiện thực hóa tầm nhìn của mình thì Ive, mặc dù luôn có những ý tưởng mới lạ về thiết kế, vẫn phải cần Jobs để đưa những ý tưởng đó ra đời thực. Don Norman, người làm việc tại Apple vào thập niên 1990 với vị trí Phó Chủ tịch Bộ phận Công nghệ Cải tiến, nhận định: “Jony là một anh chàng rất thông minh và có nhiều ý tưởng mới lạ. Điều Jony cần là cái gật đầu của Jobs để triển khai ý tưởng đó”.

Antonelli, thuộc MoMA, cho biết Ive luôn nói chuyện trực tiếp với Jobs để bàn về các sản phẩm. “Sự ăn ý giữa họ là quá rõ”, Antonelli nói. Sự ăn ý đó cũng chính là thách thức chủ yếu của Apple hiện nay. Và bây giờ, liệu tân Tổng Giám đốc Tim Cook có thể tiếp tục duy trì được sự ăn ý với Ive để gây nguồn cảm hứng cho ông tiếp tục tạo ra những cú hích trên thị trường?

Theo Vnbrand