Ngay khi đặt chân đến Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế, biết chúng tôi có ý định tìm người là nạn nhân của bom, mìn, vật nổ (BMVN), đang nỗ lực vượt lên số phận, các cán bộ của Ban Tuyên huấn đã dẫn chúng tôi đến phường Thuận Thành, gặp sinh viên Lê Văn Hồng.
“Cháu nó thuê nhà cuối dãy này. Thằng bé ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ. Khối thanh niên lành lặn mà chẳng bằng cháu ấy chứ”, ông Đinh Xuân Tùng, 83 tuổi, hàng xóm của Hồng khen em hết lời, khi chúng tôi hỏi thăm đường vào căn hộ em đang thuê trọ.
|
Theo sự chỉ dẫn của ông Tùng, chúng tôi dễ dàng tìm ra ngôi nhà của em Lê Văn Hồng. Đoàn thống nhất không gây ồn ào mà lặng lẽ “tiếp cận” Hồng. Qua chiếc cửa sổ nhỏ nhắn của ngôi nhà, chúng tôi thấy một thanh niên có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen, đang ngồi trước giá vẽ, thả hồn mình vào bức ký họa chân dung. Bàn tay phải cầm chì lướt nhẹ; tay còn lại em đặt trên giấy vẽ, nhưng đấy là chiếc tay đã mất hẳn…bàn tay. Nếu nhìn vào cái thần thái của Hồng và bức ký họa của em, ít ai tin rằng, em là nạn nhân của BMVN, từ khi mới là học sinh lớp 7.
Ngôi nhà thuê quá chật chội, Hồng đưa chúng tôi ra khoảnh chân chơi ngoài ngõ, rồi kể cho mọi người nghe cái ngày không may mắn của mình…
Lê Văn Hồng quê ở Hồ Xá, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Tháng 11-2005, khi đang học lớp 7, Hồng đến nhà dì ruột chơi. Nhà dì vốn trên vùng đất đang được khai hoang, trong khi vùng “đất thép” này là nơi địch rải nhiều BMVN, trong những năm tháng chiến tranh, nên BMVN “lộ thiên” không ít. Trong khi tha thẩn chơi, Hồng nhặt được một cục sắt. Sự tò mò của con trẻ đã khiến em cầm búa, giáng xuống cục sắt này mà đâu biết “tử thần” đang rình rập tính mạng của mình. Sau nhát búa ấy, “cục sắt” phát nổ, tiện đứt bàn tay trái của em; cả hai chân em cũng đều bị găm mảnh nổ.
Năm Hồng lên 4 tuổi, bố mất, mình mẹ bươn chải nuôi 4 chị em ăn học. Giờ gánh nặng từ đứa con tàn tật lại khiến vai mẹ thêm nặng trĩu. Nghĩ đến đó, Hồng thấy thương mẹ lắm và em nỗ lực vươn lên, mặc cho bạn bè không ít người chế nhạo, trêu đùa, mỗi khi đến lớp.
Năm 2011, Lê Văn Hồng thi đỗ vào Khoa Hội họa, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế.
“Với người bình thường, học hội họa đã khó, vậy mất hẳn một bàn tay như em, chắc khó khăn phải thêm lên gấp bội”, trước câu hỏi của mọi người, mắt ánh lên niềm tin, Hồng cười hiền chia sẻ: “Mình phải bù lại sự thiếu hụt, mất mát ấy bằng nghị lực và sự cố gắng thôi các anh chị à”.
|
Hồng còn bảo rằng, ngày đầu đến trường, phần đa bạn bè đều thông cảm, giúp đỡ Hồng vươn lên, nhưng cũng có những người tỏ ra coi thường, thậm chí là đùa cợt với nỗi đau của em. Buồn đấy nhưng không nản, Hồng đã nỗ lực để khẳng định mình và hiện nay như em nói, thì lực học của em đang đứng thứ 5 của lớp.
Có lẽ Hồng vẫn khiêm tốn khi nói về cái “thứ hạng” ấy của mình, bởi gặp em Nguyễn Trà Giang, sinh viên cùng lớp với Hồng, Trà Giang “bật mí” với chúng tôi rằng: Xét về lực học, Hồng đang giành vị trí “á quân”. Và rất ngắn gọn, Giang tự hào nhận xét về người bạn giàu nghị lực của mình như thế này: “Hồng siêng năng, học giỏi, sống tốt với bạn bè và luôn có ý chí phấn đấu vươn lên”.
Lời chia sẻ của Nguyễn Trà Giang làm chúng tôi nhớ đến dự định mà Lê Văn Hồng chia sẻ ban nãy: “Năm tới, em sẽ tiếp tục đăng ký dự thi vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế để được học ở bậc học cao hơn. Và nếu chưa đỗ, em cũng vẫn sẽ không lùi bước”.
Chúng tôi cùng thầm chúc cho Hồng, một nạn nhân của BMVN giàu khát vọng vươn lên, sẽ sớm biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực…
Theo QĐND