Sinh ra và lớn lên ở xã Phình Hồ (Trạm Tấu, Yên Bái) A Tủa thấu hiểu khó khăn của đồng bào nơi đây. Chàng trai trẻ luôn thầm nhủ phải làm gì đó để góp phần thay đổi cuộc sống của họ. Vì vậy, tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội, A Tủa quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mong muốn phát triển du lịch địa phương.
A Tủa cho biết, Phình Hồ là xã vùng cao khó khăn, 100% dân số là người Mông, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm nương, làm rẫy, trong khi đất đai cằn cỗi, thiếu nước canh tác nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Đổi lại, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Phình Hồ một vẻ đẹp cuốn hút với nét văn hóa đặc sắc của người Mông. Chàng trai trẻ muốn khai thác thế mạnh này làm du lịch cộng đồng để góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho bà con.
Sùng A Tủa (bên phải) cùng người dân làm clip quảng bá sản phẩm quê hương |
Vì thế, A Tủa đã cùng người dân địa phương học tập, ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng thành thạo các trang mạng xã hội như tiktok, facebook, youtube… tham gia tích cực, hiệu quả trong việc quảng bá văn hóa, đồng thời góp phần hỗ trợ thanh niên địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, kênh tiktok mang tên “A Tủa Phình Hồ” thu hút gần 200.000 người theo dõi.
Qua mạng xã hội, những clip giới thiệu cuộc sống của người dân ở vùng cao Yên Bái do A Tủa sản xuất đã thu hút hàng triệu lượt xem. Với giọng nói hồn nhiên và năng lượng tích cực, chàng trai trẻ chia sẻ những câu chuyện về bữa ăn, phong tục và cuộc sống hàng ngày của người Mông ở Phình Hồ. A Tủa không chỉ làm những video giới thiệu cuộc sống mà còn chủ động tìm hiểu và chia sẻ về đặc sản độc đáo của vùng cao như rau cải nương, gà đen, lợn bản, trà Shan tuyết... mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem.
Sùng A Tủa (bên trái) cùng các thanh niên tiêu biểu tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ IX |
A Tủa cũng kết hợp với những người bạn tổ chức livestream quảng bá các sản phẩm OCOP địa phương. Từ những hoạt động này, chàng trai trẻ đã giúp người dân có thêm thu nhập từ các dịch vụ du lịch như: Dẫn khách vào bản, làm dịch vụ homestay, bán nông sản ở chợ phiên cho du khách… nên không phải phụ thuộc vào nương rẫy.
Không chỉ quảng bá các sản phẩm địa phương, A Tủa còn thực hiện các clip về đời sống thường ngày của người dân vùng cao và những hình ảnh chân thực về những khó khăn của các em học sinh người Mông. Anh cũng là người kết nối các đoàn thiện nguyện đến thăm, hỗ trợ, tặng quà, giúp cải thiện cơ sở vật chất và đời sống cho bà con địa phương.
Hiện A Tủa còn trở thành hướng dẫn viên, trực tiếp đưa du khách nước ngoài khám phá kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Thái trên địa bàn. “Chúng tôi - những thanh niên dân tộc thiểu số với lòng yêu nước nồng nàn, với niềm tự hào sâu sắc về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ tiên phong trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Chúng tôi luôn sẵn sàng, xung kích, tham gia hội nhập cùng thanh niên cả nước đưa bản sắc văn hóa, con người Việt Nam vươn ra thế giới”, A Tủa tâm sự.
Theo Tuoitre