Khi đại biểu Quốc hội giằng xé giữa các lợi ích

(CTG) Theo Hiến pháp Việt Nam, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.




Công ty Sonadezi Long Thành bị bắt quả tang xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Ảnh: Giang Sơn


Trong khuôn khổ này, đại biểu hoàn toàn có thể đại diện, bảo vệ lợi ích cho mình, giới, ngành, địa phương mình nhưng việc đó không được xung đột với lợi ích chung và trong điều kiện phải lựa chọn, thì phải chọn theo lợi ích chung nhất. Trên thực tế sự phân thân, diễn đúng vai trong điều kiện có xung đột lợi ích, không phải dễ. Câu chuyện sai phạm của công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi Long Thành là một ví dụ.

Công ty Sonadezi, bị bắt quả tang cách nay hơn một tuần trong lúc đang xả nước thải chưa xử lý vào dòng chảy công cộng, rốt cuộc lại là công ty thành viên của một hệ thống doanh nghiệp mà người đứng đầu là một đại biểu Quốc hội. Khi tiếp xúc cử tri, người dân biểu ấy tất nhiên đã nhận được nhiều câu hỏi gai góc xoay quanh câu chuyện và đứng trước các yêu cầu ứng xử tế nhị, ngặt nghèo. Có thể hiểu tại sao các phương tiện truyền thông quan tâm theo dõi diễn biến cuộc gặp gỡ ấy.

Chuyện con người ta bị giằng xé giữa các lợi ích trái ngược không hiếm. Vấn đề là trong trường hợp đặc thù này, xung đột diễn ra giữa một bên là lợi ích riêng mà nhân vật chính mong muốn bảo vệ với tư cách chủ doanh nghiệp, với bên kia là lợi ích của cộng đồng mà cũng chính người này cam kết bảo vệ dưới danh nghĩa đại biểu dân cử.

Vừa là doanh nhân vừa là dân biểu không phải là việc dễ dàng. Ngay cả trong trường hợp không rơi vào tình huống xung đột lợi ích, thì ông nghị – doanh nhân vẫn phải đương đầu với định kiến xã hội, đặc biệt là với nỗi nghi ngại về việc dựa vào mãnh lực đồng tiền để thao túng nghị trường, về việc dùng quyền lực nghị viện để phục vụ lợi ích riêng tư.

Tất nhiên không ai cấm và cũng không thể cấm doanh nhân bảo vệ các lợi ích thiết thân của riêng mình trong khuôn khổ luật chơi chung. Bởi vậy, trong điều kiện doanh nhân đồng thời là dân biểu, phải làm thế nào để người này nhận thấy rằng lợi ích hợp pháp của các cử tri do mình đại diện bao trùm lên tất cả các lợi ích khác, kể cả lợi ích riêng tư. Ở nhiều nước, đại biểu dân cử rất sợ làm mất lòng những người đã bỏ phiếu cho mình: tình cảm của cử tri quyết định chiếc ghế của dân biểu; mất tình cảm đó, người đại biểu dân cử có nguy cơ mất ghế khi tái ứng cử và kéo theo đó là nhiều thứ mất mát khác nữa. Trong trường hợp lợi ích của cử tri đối nghịch rõ ràng với lợi ích riêng của mình, dân biểu thường không do dự từ bỏ lợi ích riêng để đi theo và phục vụ lợi ích cử tri.

Ở nhiều nước, đại biểu dân cử rất sợ làm mất lòng những người đã bỏ phiếu cho mình: tình cảm của cử tri quyết định chiếc ghế của dân biểu; mất tình cảm đó, người đại biểu dân cử có nguy cơ mất ghế khi tái ứng cử và kéo theo đó là nhiều thứ mất mát khác nữa.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng không hề có sự đối lập của các lợi ích chính đáng trong vụ Sonadezi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, bởi sai phạm của doanh nghiệp là rõ ràng. Người ta trông đợi ở đại biểu Quốc hội đồng thời là doanh nhân ấy một thái độ ứng xử thể hiện tinh thần dấn thân, sẵn lòng và tự nguyện hy sinh lợi ích riêng tư của doanh nghiệp vì lợi ích chung, hoặc ít nhất là vì lợi ích của các cử tri đã dành cho mình sự tín nhiệm bằng những lá phiếu bầu. Xử sự đúng mực, hợp lý, hợp tình và khéo léo, người đại biểu Quốc hội chắc chắn có được sự tin yêu của dân, của cử tri và, biết đâu, có thể cuối cùng không bị buộc phải từ bỏ lợi ích riêng hay nếu có mất, thì cũng được những người yêu thương ủng hộ mình giúp sức để khôi phục lại.

Trước các cử tri đang bức xúc, nhân vật trung tâm của câu chuyện, qua sự mô tả của báo chí, lại có xu hướng rời bỏ vị trí dân biểu để vào vai người cai quản doanh nghiệp bị cho là có hành vi sai trái và đang ra sức đối phó với sự phê phán, công kích của người dân: “… Là cơ quan chủ quản, chúng tôi sẽ phối hợp xử lý,… Nếu có sai sót, chúng tôi sẽ sửa chữa theo đúng tiêu chí hoạt động của công ty”. Dường như người nói không còn nhớ rằng mình đang mang tư cách đại biểu dân cử và đang ở nơi tiếp xúc cử tri, chứ không phải đang ở văn phòng của bà chủ hệ thống doanh nghiệp và đang đương đầu, đôi co với những người được cho là bị doanh nghiệp gây thiệt hại.

Có thể người đại biểu Quốc hội trong câu chuyện chưa thực sự nhập vai dân biểu, vì còn thiếu kinh nghiệm trong quan hệ tiếp xúc cử tri. Nhưng cũng không loại trừ khả năng người này không nghĩ rằng cử tri có thể làm gì ảnh hưởng bất lợi đến chiếc ghế đại biểu dân cử của mình.

Dân biểu mà không sợ cử tri, thì tự nhiên sẽ có thiên hướng đặt lợi ích của mình hoặc lợi ích một nhóm người ở vị trí ưu tiên. Khi đó, nguy cơ quyền lực nghị trường bị khống chế, chi phối theo ý chí của người này, người nọ, nhóm này, nhóm kia, là khó tránh.


Theo SGTT