Khi người trẻ dám nghĩ, dám làm

(CTG) Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng là phong trào đang được Đoàn xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) phát huy hiệu quả. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong xã đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.

 

Chị Hoàng Thị Nhung thu về 400.000-500.000 đồng/ngày tiền lãi từ mô hình nuôi chim cút.

Trong khi nhiều thanh niên chọn cách đi làm ăn xa hoặc vào các công ty làm việc thì chị Hoàng Thị Nhung (SN 1990), thôn 2 Thanh Tân lại lựa chọn mô hình nuôi chim cút. Năm 2019, được sự động viên của người thân, chị Hoàng Thị Nhung quyết định vay vốn, đầu tư trang trại gần 200m2 nuôi chim cút.

Ban đầu, chị mua 2.000 con giống chim cút để nuôi thử, do chưa có kinh nghiệm dẫn đến chim bị chết nhiều. Không nản chí, chị tiếp tục tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, mạng Internet và những người đã nuôi trước để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.

Khi đã có kinh nghiệm, chị tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, chị Nhung đang nuôi hơn 4.000 con với nhiều lứa nuôi gối nhau. Theo chị Nhung, nuôi chim cút chi phí thấp mà lãi cao. Từ con giống mới nở cho đến lúc đẻ trứng chỉ có 45-50 ngày. Đặc biệt, chim cút đẻ liên tục, sau 9-10 tháng, người nuôi lại bắt đầu thay con giống khác để cho sản lượng trứng cao hơn.

“So với các mô hình chăn nuôi khác, mô hình nuôi chim cút ổn định hơn rất nhiều, lại đầu tư vốn không nhiều, đầu ra luôn ổn định, nguồn vốn quay vòng nhanh, trong 1 năm là có thể thu hồi vốn”, chị Nhung cho biết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, chị thu được khoảng 3.000 quả trứng, với giá bán giao động từ 45.000-47.000 đồng/100 quả trứng, sau khi trừ chi phí, chị Nhung thu số tiền lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày.

Giống như chị Nhung, với quyết tâm làm giàu trên quê hương, anh Nguyễn Văn Châu (SN 1988) thôn 1 Thanh Tân quyết định phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi. Trên hơn 1,5 ha đất vườn, anh đầu tư 8 sào trồng hoa thiên lý, kết hợp trồng bí đao. Phần đất còn lại, anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi dế và rắn mối. Nhờ tìm hiểu các mô hình thành công khác cùng sự linh hoạt trong áp dụng và thay đổi kỹ thuật, anh đã thành công. Đến nay, trang trại của anh có đến 50 buồng nuôi dế, 2.300 con rắn mối, 8 sào hoa thiên lý và bí đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Không chỉ anh Châu, chị Nhung mà còn có rất nhiều đoàn viên thanh niên khác cũng mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, phải kể đến các mô hình: kinh doanh dịch vụ của đoàn viên thanh niên Phan Văn Cường, Lê Xuân Sỹ ở thôn 1 Thanh Tân; nuôi chim cút của đoàn viên thanh niên Huỳnh Văn Khánh ở thôn 4 Thanh Tân…

Nuôi rắn mối và dế là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Châu.

Anh Bạch Văn Trung, Bí thư Đoàn xã Thanh Thủy cho biết: "Thời gian qua, Đoàn xã luôn đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên. Trong đó, Đoàn xã cũng có nhiều hoạt động điển hình, như: làm cầu nối hỗ trợ thanh niên học nghề, tư vấn việc làm và phát triển kinh tế tại địa phương".

Đoàn xã tích cực phối hợp các tổ chức hội, như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã... và làm "cầu nối" để thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm do Trung ương Đoàn phân bổ quản lý trên địa bàn xã cũng góp phần giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Đoàn xã còn phối hợp với Huyện đoàn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học-kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thông qua những buổi hội thảo, tập huấn, chuyến đi học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao trong, ngoài tỉnh; tuyên truyền vận động đoàn viên tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay, 72 đoàn viên thanh niên tham gia học tiếng đi xuất khẩu lao động và đã có 52 đoàn viên thanh niên được tuyển dụng đi xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các đoàn viên, thanh niên của xã còn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trên mọi mặt trận. Tuổi trẻ Thanh Thủy còn tình nguyện tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, như: tham gia giữ gìn an toàn giao thông; phối hợp với đơn vị viễn thông lắp đặt 128 thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời, tổ chức các buổi dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm…

Sự giúp sức của Đoàn xã và sự chủ động, nghị lực vươn lên của các đoàn viên thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn cơ sở, mở rộng khối đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức hội.

Lê Hồng
Tỉnh Đoàn Quảng Bình