Khởi động chương trình “Nối vòng tay thương” hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch

(CTG) Chiều nay 3/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khởi động Chương trình cộng đồng “Nối vòng tay thương” nhằm tiếp tục chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.

 

Tham dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các anh trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, lãnh đạo các Đơn vị đồng hành.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu khởi động chương trình.

Phát biểu tại Lễ khởi động, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: Chương trình “Nối vòng tay thương” là sáng kiến nối dài chuỗi chương trình đồng hành với trẻ em vượt dịch Covid-19, được Trung ương Đoàn tích cực triển khai thời gian qua như “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”, “Triệu ly sữa và hành trình của những cuốn sách”, “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”, “Cùng em học trực tuyến”…

Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, anh Nguyễn Ngọc Lương kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Chương trình “Nối vòng tay thương”, tiếp tục chăm lo, hỗ trợ các em mồ côi do đại dịch Covid-19 đến năm 18 tuổi một cách bền vững và lâu dài, bao gồm hỗ trợ về tài chính, về giáo dục, về sức khỏe, về tinh thần để các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo các điều kiện để các em phát triển toàn diện và trở thành người có ích trong xã hội, kết nối với Ban Tổ chức Chương trình để việc hỗ trợ đến các em được thực hiện hiệu quả, bền vững, tránh sự chồng chéo, phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và đảm bảo đúng các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Chương trình “Nối vòng tay thương”, tiếp tục chăm lo, hỗ trợ các em mồ côi do đại dịch Covid-19 đến năm 18 tuổi.

“Đối với các em mồ côi cha, mẹ vì Covid-19, sẽ thật lâu nỗi đau mất cha, mẹ mới phần nào dịu bớt, nhưng các em hãy mạnh mẽ vượt qua biến cố, biến nỗi nhớ cha mẹ thành quyết tâm vươn lên trong cuộc sống để trở thành người có ích cho xã hội để cha mẹ, người thân yên lòng về các em. Các em hãy luôn vững tin rằng, hành trình của các em sẽ không đơn độc vì đồng hành với các em luôn có những vòng tay yêu thương, đùm bọc từ anh chị đoàn viên, hội viên, thanh niên và các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội”, anh Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ.

Chương trình sẽ kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân chăm lo, hỗ trợ trẻ mồ côi do đại dịch theo hướng bền vững trên quy mô cả nước, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chương trình tập trung vào 4 nhóm hỗ trợ: tài chính, giáo dục, sức khỏe và tinh thần.

Chị Phạm Thị Hằng (Hà Nội) trò chuyện với hai em nhỏ mồ côi do đại dịch mà chị nhận bảo trợ đến năm 18 tuổi trong khuôn khổ chương trình “Nối vòng tay thương”.

Được triển khai từ ngày 03/10 đến khi các em 18 tuổi và trên quy mô toàn quốc, trong đó tập trung tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Chương trình hướng đến trẻ em, học sinh mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, cần được bảo trợ, nuôi dưỡng, chu cấp để có cơ hội phát triển tinh thần và thể chất, độ tuổi dưới 18 tuổi, trong đó tập trung hỗ trợ trẻ em, học sinh thuộc diện mồ côi cha mẹ do nhiễm Covid-19, không còn nơi nương tựa, đỡ đầu; trẻ em mồ côi cha, hoặc mồ côi mẹ hoặc người chăm sóc do nhiễm Covid -19, gia đình thuộc diện gia đình khó khăn, bố mẹ là người nghèo, người dân lao động tự do, công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc, con của lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch bệnh,…

Cụ thể, trợ cấp học sinh mồ côi do Covid-19, có gia đình, người thân hoặc người chăm sóc tại nhà với mức kinh phí tối thiểu 500 nghìn đồng/tháng liên tục đến năm các em 18 tuổi; phối hợp Công ty cổ phần FPT mở trường học cho trẻ mồ côi do Covid-19 trong độ tuổi từ 6-18.

Hệ thống trường học đặc biệt này được trải rộng ở nhiều địa phương trong 20 năm, trước mắt triển khai ở TP Đà Nẵng; gồm các hạng mục: tiếp nhận, chăm sóc, chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, nội trú, học tập tại hệ thống phổ thông liên cấp của FPT, tặng học bổng trong trường hợp các em có nguyện vọng học cao hơn ở FPT và tạo điều kiện tìm việc làm sau khi ra trường.

Ngoài ra, mỗi cơ sở Đoàn có học sinh mồ côi sẽ khởi động chương trình “Em nuôi của Đoàn”, theo đó nhận đỡ đầu về tinh thần, kêu gọi đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện trên địa bàn hỗ trợ, đồng hành với các em trong cuộc sống.

Đồng thời, kêu gọi các chuyên gia tâm lý hỗ trợ, can thiệp tâm lý đối với các em, đặc biệt là trong thời gian đầu; tư vấn, điều trị cho các em thông qua Mạng lưới “Thầy thuốc trẻ đồng hành” của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; kêu gọi các nguồn lực xã hội trao gói khám, điều trị, bảo hiểm xã hội, học bổng khuyến học, trang thiết bị học tập, phương tiện đi lại… tặng các em.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trao hoa cảm ơn các đơn vị đồng hành cùng chương trình.

Trong giai đoạn đầu, chương trình đã nhận được cam kết bảo trợ 1.108 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Tại buổi lễ, Trung ương Đoàn đã ra mắt trang web chính thức của chương trình tại địa chỉ www.noivongtaythuong.vn.

Lãnh đạo trao hoa cảm ơn các đơn vị đồng hành cùng chương trình.

Đây là một trong những công trình chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021.

Mọi nguồn lực ủng hộ chương trình, vui lòng gửi vào số tài khoản 1000 001 001 191919 tại Sở Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (Hà Nội).

Liên hệ Ban Tổ chức Chương trình (Hotline: 097.810.1085, anh Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia).

 

Tại Lễ khởi động, Ban Tổ chức chương trình đã công bố những hỗ trợ đầu tiên từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Theo đó, trong đợt 1, các tổ chức, cá nhân đã cam kết hỗ trợ 1.108 trẻ em, học sinh mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể: Công ty Cổ phần FPT cam kết tiếp nhận, chăm sóc, chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, nội trú, học tập tại hệ thống phổ thông liên cấp FPT cho các em học sinh mồ côi từ 6 đến 18 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng theo học tại trường học FPT; Các tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ thông qua Báo Thanh niên cam kết đỡ đầu 500 em mồ côi với mức bảo trợ hàng tháng là 2.000.000đ/tháng cho trẻ em mồ côi bậc Tiểu học, 2.500.000đ/tháng cho trẻ em bậc Trung học cơ sở và 3.000.000đ/tháng cho trẻ em bậc Trung học phổ thông; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đỡ đầu 100 em mồ côi với mức kinh phí là 1.000.000đ/tháng; Hội đồng Đội Trung ương và nhãn hàng Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) đỡ đầu 277 em mồ côi đang học Tiểu học với mức kinh phí là 2.000.000đ/tháng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đỡ đầu 100 em mồ côi; Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, Audi Việt Nam đỡ dầu 30 em mồ côi; Ngân hàng Chính sách xã hội đỡ đầu 67 em mồ côi và 34 cá nhân khác ở các tỉnh, thành phố đỡ đầu 34 em; các đơn vị và cá nhân này hỗ trợ đỡ đầu bảo trợ chu cấp kinh phí với mức tối thiểu là 500.000đ/tháng đến năm 18 tuổi. Cùng với đó, mỗi em mồ côi có 01 cơ sở Đoàn, Hội tại địa bàn và 01 Anh, chị Đoàn viên, thanh niên hoặc sinh viên tình nguyện hỗ trợ, đồng hành trong cuộc sống.

Hải Đăng