Đổi mới nghề truyền thống
Đến xã Quảng Tân (TX.Ba Đồn, Quảng Bình) một ngôi làng có truyền thống làm nón lá lâu đời, hỏi đến Nguyễn Tuấn Anh (33 tuổi, xã Quảng Tân) hầu như gia đình làm nón nào cũng biết bởi chàng trai này đã góp công đổi mới cách làm nón cho bà con và lên kế hoạch đưa nón lá quê nhà được xuất ngoại.
Tuấn Anh vẫn đang thực hiện dự định đưa nón lá xuất khẩu ra thế giới. BÁ CƯỜNG |
Từ một thợ sửa chữa điện thoại đến lặn lội vào miền Tây tỉnh Quảng Trị trồng cà phê, bôn ba khắp nơi nhiều năm, sau cùng Tuấn Anh quyết định trở về quê hương gắn bó với nghề làm nón.
"Quảng Tân là quê của vợ tôi, có truyền thống làm nón lá hàng trăm năm. Thấy bà con mất nhiều thời gian để làm ra được một chiếc nón, tôi tìm hiểu, nghiên cứu cách đổi mới để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, thu nhập và vẫn giữ được nghề truyền thống", Tuấn Anh nói.
Xưởng làm nón của Tuấn Anh lúc nào cũng có 5 - 7 công nhân đến làm nón. BÁ CƯỜNG |
Năm 2018, sau thời gian nghiên cứu, anh sản xuất ra loại máy chuyên cho việc làm nón, phổ biến đến người dân thay khung tre bằng khung nhựa tái sinh.
Theo Tuấn Anh, với cách máy móc hóa việc làm nón, mỗi ngày bà con sẽ làm được nhiều nón hơn, việc thay khung tre bằng khung nhựa tái sinh cũng giúp chất lượng của nón bền hơn và hạn chế được việc khai thác tre, mây...
Nón lá Thành Sơn được sản xuất theo quy trình công nghiệp hóa. BÁ CƯỜNG |
"Trước đây mỗi ngày cùng lắm chỉ làm được 2 chiếc nón, như thế thôi cũng đã hoa mắt, mỏi lưng và những người càng lớn tuổi như tôi lại càng khó trụ được với nghề. May thay, từ ngày biết áp dụng máy móc, mọi công việc đơn giản hơn hẳn", bà Lê Thị Hiền, một người chằm nón tại xã Quảng Tân chia sẻ.
Giấc mơ đưa nón lá xuất ngoại
Bên cạnh việc đưa máy móc về vùng quê, tại xã Quảng Tân, Tuấn Anh cũng mở một xưởng làm nón cũng như cung cấp nguyên liệu, thu mua lại sản phẩm của người dân.
Khung nón làm từ nhựa tái sinh đã được đăng ký bản quyền của Tuấn Anh. BÁ CƯỜNG |
"Những chị em được tôi thuê để sản xuất nón có thu nhập vài trăm ngàn đồng/ ngày. Tôi cũng vui vì tạo được công việc cho bà con trong xã", Tuấn Anh chia sẻ.
Bằng cách đổi mới và tận dụng được nguồn lao động địa phương, mỗi tháng xưởng nón Thành Sơn có thể sản xuất được 40.000 - 50.000 sản phẩm, doanh thu có thể lên đến 1 tỉ đồng/tháng. Tuấn Anh cũng thành lập Công ty TNHH Sản xuất nón lá công nghiệp Thành Sơn, đăng ký thương hiệu và xuất bán sản phẩm đến nhiều tỉnh thành như: Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh, thành miền Nam.
Tuy nhiên, với Tuấn Anh mọi thứ trước mắt chỉ mới là những bước đầu, dự định mà anh đang ấp ủ chính là nhanh chóng tìm được cầu nối, đưa sản phẩm nón lá của quê hương ra thị trường thế giới.
"Nón lá từ lâu đã là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam và những du khách khi đến Việt Nam cũng rất thích thú với nón lá. Tôi mong muốn sẽ đưa sản phẩm này đến gần hơn với bạn bè thế giới, quảng bá cho văn hóa quê hương cũng như để các làng nghề làm nón truyền thống tiếp tục được duy trì", Tuấn Anh chia sẻ.
Những người trẻ như anh Tuấn Anh quan tâm đến nghề truyền thống góp phần giữ gìn được nét văn hóa của làng. BÁ CƯỜNG |
Chia sẻ về dự định tương lai, anh Tuấn Anh tiết lộ đang nhắm đến thị trường khu vực Đông Nam Á, và đang tìm những cầu nối, bên thứ 3 để có thể đưa sản phẩm nón lá sớm được xuất khẩu.
Mang trong mình đam mê mãnh liệt và cũng là số ít những người trẻ chịu gắn bó với nghề truyền thống quê nhà. Anh Tuấn Anh đã đóng góp phần nào cho việc phát triển quê hương, gìn giữ được nét văn hóa của làng và nếu thực hiện được ước mơ đưa nón lá xuất ngoại, hẳn rằng đó là một niềm tự hào của người dân Quảng Tân.
Theo TN