Kiên định chất lượng sản phẩm

(CTG) “Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO” số thứ 24 đã lên sóng lúc 9h45 ngày 4/8/2019.

CEO Nguyễn Văn Phúc - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dekko.

Nhân vật chính của chương trình là CEO Nguyễn Văn Phúc - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dekko.

Hai khách mời là CEO Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương và ông Thái Quốc Minh - Thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Ông Thái Quốc Minh - Thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

CEO Phúc có một tuổi thơ vất vả. Bố mẹ mất sớm, anh Phúc học giỏi, chịu khó kiếm tiền; nhưng luôn gặp khó bởi bản tính thật thà. Tốt nghiệp Đại học năm 1985, anh về làm ở Viện Thiết kế Công Nghiệp Hoá được 7 năm thì bị nghỉ không lương. Vì sinh kế, dồn hết vốn liếng được 10 triệu đồng, anh cùng một người bạn mở cửa hàng thiết bị ngành nước.

CEO Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương.

Vốn ít, cửa hàng mới, sản phẩm “lèo tèo”, nên vắng khách, hai tháng liền không có doanh thu. Bị dồn vào chân tường, anh quyết “liều ăn nhiều” chuyển sang bán buôn. Anh Phúc đến các chủ hàng lớn xin làm đại lý bằng cách cam kết số lượng. Anh in tờ rơi, phát đến các cửa hàng từ Lạng Sơn đến Nghệ An, rồi đưa mức chiết khấu thấp để kéo khách. Thời đó, hàng hoá khan hiếm, các mối bán buôn đều tận dụng để đẩy giá, riêng anh Phúc thì không. Bị cho là dại, là quá thật thà, chê tiền, anh mặc kệ. Kết quả là khách đến với anh ngày càng đông. Chỉ trong 7 tháng, anh trở thành đầu nậu lớn tại Hà Nội.

Trên đà thành công, anh Phúc quyết định mở rộng kinh doanh. Năm 1997, anh lập Công ty và mở xưởng sản xuất van đồng theo phương pháp “đúc rót”. Thiếu kinh nghiệm, nên 10 cái thì hỏng tới 9… anh miệt mài nghiên cứu, cải tiến để hoàn thiện sản phẩm. Suốt 3 năm trời, anh dồn 2/3 lợi nhuận từ làm thương mại để đầu tư vào sản xuất, vậy mà chẳng đi tới đâu. Nhiều lúc thấy nản anh đã định dẹp xưởng.

Năm 2001, ống nhựa chịu nhiệt PPR từ Ý bắt đầu về Việt Nam và tiêu thụ tốt. Là kỹ sư chuyên hoá, anh Phúc nhận ra sản phẩm có những tính năng vượt trội, khả năng chịu được ăn mòn, chịu nhiệt, độ bền cao, lại dễ sản xuất hơn đồng. Anh bàn với anh em, rồi ra nước ngoài tìm mua thiết bị để sản xuất.

Có dây chuyền, được đối tác hỗ trợ kỹ thuật, trong tay 30 nhân sự, anh Phúc áp dụng ngay chính sách quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mất 1 năm, những sản phẩm đầu tiên ra lò, được đánh giá tốt ngang sản phẩm nhập từ Ý. Anh tự tin tung ra thị trường. Vậy mà suốt 3 tháng trời ống nhựa … vẫn ế chỏng gọng. Anh lặn lội tìm hiểu và đắng lòng nhận ra mình bị cạnh tranh về giá bởi các sản phẩm chất lượng thấp hơn. Tính sơ sơ đã có tới 60 thương hiệu Trung Quốc, 20 thương hiệu gia công trong nước.

Mọi người xui anh giảm định lượng sản phẩm, giảm giá để cạnh tranh; đồng nghĩa với việc giảm chất lượng sản phẩm, giảm độ bền của ống nước. Như vậy là gian dối, anh kiên quyết duy trì chất lượng. Tin tưởng rằng thị trường sẽ bị thuyết phục, anh huy động mọi nguồn lực để duy trì sản xuất. Nhưng được 1 năm, thì hàng tồn kho đã lên tới 6 tháng bán hàng. Vừa trải qua 3 năm khốn đốn vì chất lượng van đồng không ổn, nay lại tiếp tục lao đao vì giá không cạnh tranh. Trong khi tài chính ngày càng cạn kiệt, chiến hữu, công nhân đều chán nản. Mọi con mắt đều đổ dồn vào anh Phúc. Tính “thật thà” đang trở thành cái tội. Chỉ cần một cái gật đầu của anh Phúc, tất cả sẽ được giải toả, kho hàng được giải phóng, công nhân đủ lương, các ông chủ thì rủng rỉnh. Con nếu không chấp nhận làm hàng rẻ để cạnh tranh, anh chỉ còn cách ngừng sản xuất. Rồi còn hàng tồn đầy kho, còn máy móc cùng bao tiền của đã đổ vào nhà máy? Còn anh em công nhân, họ sẽ đi đâu? Hàng trăm câu hỏi rối tung lên…Chưa lúc nào anh bất lực như bây giờ.

Trong hoàn cảnh đó, CEO đã chọn con đường nào? Câu trả lời sẽ có trong chương trình.

Theo TTXVN