MXH bùng nổ nhưng gần như bỏ lơ sự kiểm soát. Cộng với sự cấm đoán, quản lý chưa phù hợp từ gia đình đang góp phần không nhỏ dẫn đến những thay đổi, hệ lụy trong giới trẻ, đặc biệt với gen Z.
Dán mắt vào "dế", quay cuồng với TikTok!
Một khảo sát gần đây của CNN (Hoa Kỳ) cho kết quả rất nhiều phụ huynh nản lòng, bất lực và tự hỏi vì sao con mình mê đắm "dế" và MXH. Chị Sabine Polak (tiểu bang Pennsylvania) cho biết cô con gái gen Z của chị luôn lo âu, bị trầm cảm, thậm chí từng nghĩ đến tự tử chỉ vì MXH.
Tương tự Sabine, nhiều phụ huynh không khỏi chật vật khi cố tìm hiểu, kéo con ra khỏi những hệ lụy của MXH (bị bắt nạt online, miệt thị ngoại hình, bắt chước theo xu hướng "điên rồ" nhưng hút nhiều người theo dõi...). Nhiều người thừa nhận họ không hiểu được vì sao con mình lại bị áp lực vì những điều tưởng chừng rất nhỏ như khi có ít người nhấn yêu thích hay chia sẻ các clip, dòng tâm trạng, hình ảnh của chúng, hoặc đòi tự tử khi cha mẹ cấm dùng "dế".
Nhiều phụ huynh khó kiềm chế khi thấy hình ảnh khoe thân, clip đầy nổi loạn của con mình trên TikTok, Facebook, thật sự khó chịu khi con tối ngày lướt mạng thay vì dành cho gia đình hay các hoạt động ngoài đời thật. Tờ New York Post (Hoa Kỳ) ngày 29-4 chia sẻ thông tin một gen Z bị phỏng đến 80% cơ thể chỉ vì thực hiện theo một thử thách trên TikTok!
"Thấy con suốt ngày chúi mũi vào điện thoại, còn TikTok lại đầy clip độc hại và phản cảm, tôi tước điện thoại của con. Nhưng chính lúc đó mới bắt đầu cho những chuỗi ngày tồi tệ hơn" - chị Thu Dung (47 tuổi, quận 3, TP.HCM) thở dài. Cậu con trai 16 tuổi của chị bằng cách nào đó vẫn duy trì được trang TikTok với nội dung ngày càng nổi loạn, về nhà không nói chuyện với ba mẹ. Dù con vẫn học tốt nhưng chị không biết làm sao khi khoảng cách giữa con với gia đình ngày một xa.
Nhiều người từng hỏi MXH có gì mà ma mị giới trẻ bất chấp chạy theo như thế? Nhưng ít phụ huynh nhận ra họ chính là một phần khiến con "nghiện" MXH. Dễ thấy nhất chính là ngay khi còn nhỏ, không ít phụ huynh cứ hồn nhiên quăng cho con chiếc điện thoại để chúng yên một chỗ. Vậy là đứa trẻ lạc "mê hồn trận" của thế giới mạng. Chưa kể, không nhiều phụ huynh biết dùng các MXH của giới trẻ nên khó thấu hiểu, tạo thêm "khoảng cách thế hệ" ngày càng lớn dần.
Tăng tự mãn, giảm tư duy phản biện
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân (giám đốc Chương trình tâm lý học, ĐH Hoa Sen) cho biết một trong những lý giải cho hiện tượng "nghiện" các ứng dụng, MXH ở giới trẻ là do hoạt động của dopamine trong não bộ. Đó là chất dẫn truyền thần kinh được tiết ra trong não bộ mang lại cảm giác tưởng thưởng, dễ chịu.
"Một nút "thích", một nhận xét tích cực... trên các ứng dụng, MXH đều góp phần khiến người dùng vui thích, thỏa mãn vì lượng dopamine được tiết ra, trở thành tín hiệu thôi thúc ta thực hiện những hành động mang lại sự thoải mái lúc trước" - anh Ân phân tích.
Việc khuyến khích các nội dung siêu ngắn, siêu dễ hiểu, thậm chí siêu dễ dãi, các MXH khiến người dùng giảm sút khả năng tư duy, suy nghĩ sâu. Nói cách khác, MXH, ứng dụng làm cuộc sống chúng ta tiện lợi, thoải mái nhưng cũng đồng thời tước đi nhiều kỹ năng vốn có.
Từ góc nhìn một chuyên gia công nghệ và vai trò quản lý, anh Lê Anh Tiến - giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam - nói bằng quan sát của bản thân, anh thấy một số kỹ năng giới trẻ hiện nay đang "xuống cấp" so với những thế hệ trước đó. Có thể kể đến như kỹ năng giao tiếp trực tiếp do quá phụ thuộc vào công nghệ và sự tiện lợi của các ứng dụng trò chuyện trực tuyến.
Sự phổ biến của các nền tảng MXH và tin nhắn ngắn khiến nhiều người trẻ dần mất đi kỹ năng đọc và viết đầy đủ, chính xác. Hay kỹ năng quản lý thời gian do bị mê đắm công nghệ dẫn đến khó tập trung hoàn thành những việc quan trọng.
Nhưng quan trọng nhất, theo anh Tiến chính là nhiều bạn thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ đôi khi không biết đưa ra quan điểm riêng và bảo vệ quan điểm của mình, gặp khó khăn trong việc đánh giá và phân tích thông tin giả mạo, sai lệch. "Tất nhiên không phải tất cả đều thiếu các kỹ năng trên nhưng tình trạng này khá phổ biến" - anh Tiến nói.
Dẫn chứng về sự thiếu chuyên nghiệp của một số bạn trẻ ứng tuyển vào công ty, anh Tiến cho biết có ứng viên đến muộn nhưng không báo trước, không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, không có kiến thức cơ bản về lĩnh vực ứng tuyển, có ứng viên còn mặc đồ ngắn cũn cỡn và bảo đó là cá tính.
Đại dịch COVID-19 được xem là một trong các tác nhân khiến giới trẻ bị MXH mê đắm vì là giải pháp hiếm hoi để giải trí khi giãn cách xã hội kéo dài.
Nhưng điều này không thể là nguyên nhân lý giải cho tiếng thở dài của lãnh đạo doanh nghiệp khi nói về hành vi của một số nhân sự gen Z. Vấn đề là khi trí tuệ nhân tạo trỗi dậy đòi hỏi các bạn trẻ càng phải giỏi kỹ năng mềm, trí tuệ cảm xúc (EQ) hơn trí tuệ thông thường (IQ).
theo TT