Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Tôn vinh giá trị người thầy (18/11/2011)

(CTG) Hướng tới ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20-11-2011, trong những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã liên tục tổ chức những hoạt động nhằm tôn vinh giá trị nghề dạy học. Từ miền núi đến thành thị, hoặc vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương hải đảo đều rộn ràng chào đón ngày lễ trọng đại này: ngày lễ tôn vinh những tấm gương cao cả, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.





Ảnh: HS

 
Năm học 2011-2012 là năm đánh dấu nhiều sự thay đổi lớn trong ngành giáo dục. Tuy sự định hướng, đổi mới trong ngành còn gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nhìn chung mọi nỗ lực của Bộ GD&ĐT đều hướng tới mục tiêu tích cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao đời sống giáo viên; áp dụng nhiều chính sách ưu đãi; tiếp tục triển khai nhiều cuộc vận động ý nghĩa nhằm tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, chất lượng, bền vững.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn đưa ra nhiều quyết sách, như áp dụng phụ cấp thâm niên cho giáo viên; chế độ đại ngộ đối với giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học; đổi mới phương thức dạy và học ở các cấp học, giảm tải chương trình sách giáo khoa; chỉnh lý bổ sung quy chế tuyển sinh... Tất cả nhằm cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo cho thích ứng với yêu cầu và sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều hoạt động tôn vinh giá trị nghề dạy học diễn ra càng làm cho xã hội thêm tin tưởng, cổ vũ, đồng thuận trước những tấm gương nỗ lực vì sự nghiệp trồng người mà những thầy cô đang ngày đêm cống hiến.

Nhân Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2010-2011 trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng 60 triệu đồng cho Công đoàn ngành GD&ĐT TP. Hà Nội nhằm hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 10 triệu đồng cho học sinh Nguyễn Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) do đã viết nên bài văn xuất sắc "Thư gửi mẹ” gây hiệu ứng tốt cho học sinh trong thời gian vừa qua.

 
Tại Hà Nội, Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2010-2011 đã được Sở GD&ĐT long trọng tổ chức với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận... Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, hướng tới kỷ niệm ngày Lễ hiến chương các nhà giáo hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn đặt ra các mục tiêu phấn đấu đối với giáo viên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, trong sạch. Trong năm học vừa qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều mục tiêu cụ thể, đẩy mạnh chất lượng giảng dạy, đào tạo; kiện toàn hệ thống đội ngũ giáo viên; xây dựng hệ thống trường lớp đạt chất lượng cao. Hệ thống trường lớp được mở rộng với 2.400 cơ sở giáo dục, thu hút gần 1,5 triệu học sinh theo học. Cũng trong năm học vừa qua, nghành giáo dục Hà Nội hoàn thành xuất sắc 100% kế hoạch thi đua (14 chỉ tiêu), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đơn vị dẫn đầu thi đua toàn quốc, Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Cùng chung không khí rộn ràng hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 17-11, tại trường Đại học Đà Nẵng đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trong năm học 2010-2011. Năm nay, Đại học Đà Nẵng có 1 tập thể được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 4 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Tại Thừa Thiên - Huế, ngày 17-11, Sở GD&ĐT đã tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng phong trào thi đua Hai tốt; kỷ niệm tri ân các nhà giáo; biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong ngành giáo dục. Tại buổi lễ, Trường chuyên Quốc học Huế cũng vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ; Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế được nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT do hoàn thành xuất sắc 15 lĩnh vực, tiêu chí đã đề ra.

Tại Tiền Giang, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức, như giải bóng đá học sinh-sinh viên; thi "Cắm hoa, làm thiệp” đối với giáo viên; thi viết về "Người giáo viên của tôi” đã được trường ĐH An Giang tổ chức phát động.

Tại Kom Tum, mục tiêu tổ chức ngày Lễ hiến chương các nhà giáo đã được Sở GD&ĐT đề ra với tiêu chí thiết thực, ý nghĩa nhưng phải tiết kiệm, tránh lãng phí. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Kon Tum, bằng những nỗ lực không ngừng, trong 20 năm qua kể từ khi thành lập, ngành giáo dục tỉnh Kom Tum đã phát triển hệ thống trường lớp lên 363 cơ sở giáo dục, xây dựng 80 trường chuẩn quốc gia. Điều ấn tượng nhất là xóa thành công 108 làng trắng về giáo dục; xây dựng đội ngũ giáo viên với hơn 98% đạt chuẩn đào tạo. Lễ kỷ niệm được tổ chức khá ý nghĩa với sự tuyên dương 117 nhà giáo tiêu biểu thuộc hai huyện nghèo là Tu Mơ Rông và Kon Plông đã có nhiều nỗ lực vượt khó khăn trong công tác vận động học sinh tới trường.

Theo Đại Đoàn Kết