Ký ức những ngày ở “địa ngục trần gian”

(CTG) Ngày bị đày ra Nhà tù Côn Đảo cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác, bà Phan Thị Bé Tư chưa tròn 20 tuổi. Suốt 5 năm chịu đày đọa ở nơi được gọi là “địa ngục trần gian”, lắm lúc cơ thể kiệt quệ vì các đòn tra tấn, đàn áp dã man nhưng tinh thần của bà và bạn tù vẫn bất khuất, kiên trung. Bởi khi đó họ luôn tin, ngày chiến thắng đang cận kề.

Tử tù Côn Đảo chia sẻ những ký ức về chiến tranh, mất mát với thế hệ trẻ hôm nay.
Tử tù Côn Đảo chia sẻ những ký ức về chiến tranh, mất mát với thế hệ trẻ hôm nay.

Mắm thối, khô mục và nhục hình

Có dịp về thăm lại Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), đứng trước những chuồng cọp, trại giam, bà Tư không cầm được nước mắt. Nơi đây, mấy chục năm trước đã giam cầm hàng nghìn chiến sĩ cách mạng và đặt ra rất nhiều chế độ hà khắc. Là nữ tù chính trị nhưng bà Tư cùng các dì, các chị chưa ngày nào được nương tay. Phụ nữ nhưng 52 ngày không cho tắm, bữa ăn thì toàn mắm thối, khô mục, gạo mốc, xin chút muối chúng cũng không cho. “Đến nước uống mà chúng tôi phải giấu trong đáy quần, khi chúng phát hiện được thì đánh đập dã man. Ngày ấy, nhiều chị bị liệt vì các đòn tra tấn. Ở chung phòng với tôi có 5 chị vì thiếu ăn, bệnh tật chẳng được cấp thuốc men nên đã hy sinh. Đến giờ phút này vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Côn Đảo. Mỗi khi có dịp ra đó, tôi đều ghé thắp hương tại mộ các chị. Khi hy sinh, các chị chỉ có một tấm nylon quấn người, đem đi chôn. Tiễn đưa các chị, tôi ám ảnh mãi về sau”, bà Tư vừa kể, vừa lấy tay lau nước mắt.

Là những chiến sĩ được trở về nguyên vẹn trong đợt trao trả tù binh tại Lộc Ninh (Bình Phước) cách đây hơn 50 năm, trong giây phút sum vầy, bà Tư khóc nức nở. Phần vì bà quá mong nhớ người thân, phần vì xót thương cho những người đã mãi mãi nằm lại nơi chốn ngục tù, chưa một ngày được hưởng tự do. Sự mất mát ấy với bà là quá lớn. Những ngày này, khi mọi người cùng nhắc về khoảnh khắc lịch sử của ngày thống nhất đất nước, bà Tư dành thời gian nhớ đến các đồng đội đã anh dũng hy sinh, nhớ đến ngày tháng bị giam cầm nhưng chưa lần nào sợ chết. Khi bị đày ra Côn Đảo, bà Tư cùng nhiều bạn tù mới mười chín, đôi mươi, thế nhưng chẳng ai bảo ai, tất cả đều đặt tinh thần cách mạng, lòng yêu thương đồng đội lên hàng đầu.

Còn nhớ lúc tới Cầu Tàu 914, kẻ thù đánh phủ đầu bằng roi cá đuối, những nữ tù binh trẻ liền dồn người lớn tuổi vào phía trong, lấy thân tạo thành vòng bao bọc bên ngoài, bảo vệ sinh mạng cho các dì, các chị. Hay có khi con chim sẻ bay vào ngục, mấy chị em nhanh tay bắt được liền lấy giấy nướng sơ rồi là đưa cho các dì lớn tuổi hơn ăn để có đủ sức khỏe chiến đấu với chuỗi ngày gian khổ phía trước. Những gì tốt nhất giữa chốn ngục lao, lớp trẻ chắt chiu dành cho các dì, các chị. Người đi trước thì dìu dắt, hướng dẫn, tiếp thêm động lực để thế hệ sau vững vàng chiến đấu dù trong tay chẳng có thứ vũ khí nào. Lòng yêu nước và tình đoàn kết đã tạo nên sức mạnh đưa các nữ tù binh chính trị ngày ấy vượt qua nhiều đòn roi, nhục hình.

Tuổi đôi mươi nhưng chẳng nghĩ thân mình

“Chốn lao tù là nơi trui rèn tâm trí. Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí…”. Hồi mới bị đưa đến Nhà tù Côn Đảo, nghe các dì, các chị truyền miệng tập hát vài câu ngắn trong bài “Chốn lao tù” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, bà Nguyễn Ngọc Ánh cũng hát theo. Khi ấy, bà Ánh vừa đôi mươi, trẻ trung, xinh xắn. Vậy mà cả thời thanh xuân hầu như những chiến sĩ cách mạng như bà không bao giờ nghĩ đến quần áo đẹp hay chiếc kẹp tóc mới. Tất cả niềm riêng cũng gác lại. Họ làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến thắng lợi về sau cho cách mạng và nhất quyết không ảnh hưởng đến tổ chức, đồng đội. “Thành ra bằng mọi cách mình phải nêu cao tinh thần bất khuất và chiến đấu cho Tổ quốc, cho tập thể. Tập thể cũng truyền cho những người trẻ như tôi rất nhiều động lực, niềm tin ngay trong những ngày bị đàn áp, tra tấn khốc liệt nhất. Về sau, nhiều người hỏi tại sao tôi ít kể chuyện buồn trong những năm tháng tù đày, chẳng lẽ không sợ hay sao? Có ám ảnh chứ nhưng vì mọi thứ quá kinh khủng nên khi nhắc tới tôi lại thương nhớ các dì, các chị, cảm xúc trào dâng lại khóc, khó kềm lòng. Tôi chọn kể về những câu chuyện đẹp chốn lao tù”, bà Ánh nhắc lại ngày tháng cũ.

Chỉ vài ngày sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, thông tin đã lan đến Nhà tù Côn Đảo. Lúc bấy giờ, chiến sĩ cách mạng bị giam ở tất cả các trại đồng loạt yêu cầu Ban quản đốc trại trao trả họ về cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và thi hành hiệp định. Chiến dịch thanh lọc tù nhân âm thầm được đưa ra tại từng khu trại. Chúng tiến hành đàn áp để tráo đổi hồ sơ tù nhân chính trị sang thường án, đồng thời tìm cách phân tán, thủ tiêu tù nhân chính trị. Khi ấy, ở các trại giam, cả tù nhân nam lẫn tù nhân nữ đều chống trả quyết liệt, không cho chúng thực hiện âm mưu tàn độc này. Bà Tư kể: “Nhận ra âm mưu tráo án, ngày ngày chúng tôi mài đầu ngón tay dưới gạch cho đến khi rướm máu để vân tay mờ đi hay dùng kim đâm vào đầu ngón tay để chúng không ép lăn tay được. Để tránh chụp hình, chúng tôi bày nhau cách nhắm mắt hả họng, thà bị đánh đến xỉu chứ không ngồi yên. Chấp nhận các đòn tra tấn, chúng tôi đấu tranh đến cùng, cuối cùng bọn chúng buộc lòng phải chấp nhận trả tù chính trị về với cách mạng”.

Cho những ngày sau

Cựu tử tù Hà Văn Hiển kể, trong suốt quá trình tham gia cách mạng, ông phải đi tù 12 năm, trong đó suốt 9 năm chịu cảnh đày đọa tại Nhà tù Côn Đảo. Vậy nên, mỗi khi nhắc đến chuồng cọp, xà lim hay trại cấm cố, hầm tối… ký ức về những ngày chịu bao đòn tra tấn nhưng không khuất phục lại hiện về rõ nét như mới hôm qua. Nhắc tới đồng đội, bạn tù, ông Hiển hay khóc vì xúc động. Ông nói, số lần về thăm Côn Đảo đếm không xuể nhưng lần nào cũng nguyên vẹn cảm xúc, niềm tự hào. Mỗi khi có cơ hội gặp lại các chiến sĩ cách mạng năm xưa, ông đều thu xếp công việc để đến thật sớm, trò chuyện, hỏi han nhau thật nhiều.

Trong khi đó, từ ngày đất nước thanh bình đến nay, cựu tù Côn Đảo Võ Ái Dân đã hơn 40 lần ghé lại chốn nhà giam năm xưa để viếng thăm, thắp nén nhang tri ân các đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Đứng trước chuồng cọp, trại giam, nơi mình cùng bạn tù có nhiều tháng năm chịu khổ sai, chứng kiến các đòn tra tấn mất nhân tính của kẻ thù, lần nào ông Dân cũng lặng người. Ông thương tiếc hàng nghìn người đã nằm xuống nơi đất thiêng Côn Đảo, trong đó có rất nhiều đồng đội, đồng chí cùng chiến đấu, vào tù ra khám với ông và cùng đợi chờ ngày đất nước thống nhất. Ông may mắn trở về, còn họ, mãi nằm lại với đất mẹ. Mười mấy năm nay, ông cùng bạn tù năm xưa luôn dành thời gian về lại Côn Đảo tham gia tổ chức lễ giỗ đặc biệt cho hơn hai vạn tiền nhân đã hy sinh trên mảnh đất này. Những chuyến viếng thăm ấy giúp ông vơi bớt phần nào niềm tiếc thương luôn chất chứa trong lòng. Cựu tù Võ Ái Dân nói, bây giờ, còn làm được gì cho người đã nằm xuống, ông luôn sẵn lòng. Chỉ mong lớp trẻ sau này dù hiện đại, phát triển cách mấy cũng đừng quên sự hy sinh của thế hệ cha ông.

Như bao cựu tù Côn Đảo may mắn được sống trong thời bình, trong lòng bà Ánh bao giờ cũng thương nhớ các thế hệ đã mãi mãi ra đi, tận hiến đời mình cho đất nước. Những câu chuyện thời trẻ, khi tham gia chiến đấu, lúc bị giam giữ trong ngục tù và bao tấm gương hy sinh của đồng đội, đồng chí ngày ấy luôn là chất liệu được bà Ánh sử dụng trong mỗi lần trò chuyện, giao lưu với thế hệ trẻ ngày nay. Bà còn mang những bài hát từ nhà lao năm xưa đến thật gần với bạn trẻ qua các chương trình văn nghệ. Hoạt động truyền thống nào của thế hệ trẻ cần nhân chứng lịch sử, cần tìm hiểu về cách mạng hay sự hy sinh của cha ông, xa mấy bà cũng tham gia với thù lao là “một chai nước suối”. “Càng tự hào tôi càng thấy mình phải cố gắng hơn nữa để truyền lửa cho thế hệ trẻ. Tôi mang lời ca tiếng hát, mang những câu chuyện đẹp về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông để các bạn trẻ hôm nay biết quý trọng cuộc sống và cố gắng nhiều hơn”, bà Ánh phấn khởi cho hay.