Giữa lòng TP.HCM tấp nập, chị Phượng vẫn miệt mài làm nông theo nhiều phương pháp trồng khác nhau, nhờ thế có được nguồn lợi kinh tế cao.
Từ trồng để ăn…
Chị Phượng dựng nhiều nhà màng ở khu vườn rộng hơn 450 m2 để trồng các loại rau, quả như: xà lách, cải thìa, dưa leo... với phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tự động.
Trước đây, chị Phượng làm ở Hàn Quốc với công việc trồng nông sản theo phương pháp công nghệ cao.
"Đi làm ở nước ngoài, mình có được chút kinh nghiệm trồng trọt nên muốn áp dụng tại quê nhà. Trước tiên, có thực phẩm sạch cho gia đình dùng, sau là kinh doanh kiếm thêm thu nhập", chị Phượng nói.
Năm 2021, chị Phượng xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu, trồng các loại rau xanh. Do đã có kinh nghiệm nên những việc làm nông đối với chị Phượng đều dễ dàng và nhanh chóng.
Đưa chúng tôi xem những bó rau xà lách xanh mơn mởn, chị Phượng cho hay hệ thống giá đỡ gồm các ống nhựa được kết nối với nhau, bảo đảm dung dịch dinh dưỡng khi bơm vào sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của hệ thống ống đến nuôi từng cây, trước khi hồi lưu trở lại thùng chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín.
"Toàn bộ chất dinh dưỡng sẽ được mình pha sẵn vào một thùng phuy lớn, cứ mỗi tiếng đồng hồ tưới 1 lần (15 - 20 phút/lần) và không tưới vào ban đêm vì ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Phương pháp thủy canh giúp rau phát triển tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, thời gian thu hoạch nhanh, giảm xuống còn 10 - 15 ngày so với trồng bình thường, không cần phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào", chị Phượng chia sẻ.
Đặc biệt, rau được trồng trong nhà lưới nên không bị các loại côn trùng gây hại. "Sau khi thu hoạch, rau không dính chất bẩn hay đất, mình chỉ việc rút cây khỏi hộp nhựa, cắt gốc, rửa lại nước rồi đem đi dùng", chị Phượng bộc bạch.
Đến bà chủ vườn rau...
Ngoài việc trồng để ăn, chị Phượng còn hay chia sẻ hình ảnh nông sản lên các trang, nhóm về trồng cây trên mạng xã hội. Nhờ thế, mọi người biết đến rau và mua dùng. Từ đó, chị có thêm thu nhập.
Cuối năm 2021, chị Phượng mở rộng thêm diện tích 250 m2 để xây nhà lưới, trồng hơn 200 gốc dưa leo theo phương pháp tưới nhỏ giọt tự động. "Sau 45 ngày, vườn dưa leo của mình xanh tốt, rất ít sâu bệnh, trung bình mỗi quả có kích thước từ 20 – 25 cm, nặng khoảng 100 g", chị Phượng cho hay.
Theo chị Phượng phương pháp tưới nhỏ giọt tự động tạo tiết kiệm được chi phí như: công làm đất, cỏ, bón phân, tưới nước, đặc biệt là hạn chế được sinh vật gây hại lên cây dưa leo.
Chị Phượng cho biết: "Hệ thống tưới nhỏ giọt gồm bình nước lớn chứa nhiều chất dinh dưỡng như: canxi, đạm… và được kết nối với hệ thống điều khiển, cũng như đường dây dẫn (thiết kế theo kiểu mắt nhỏ giọt) đặt tại các chậu dưa leo. Người trồng chỉ cần cài đặt giờ cũng như lượng nước theo ý muốn".
Cũng theo chị Phượng, để dưa leo phát triển tươi tốt, mình phải chọn giống tốt, chất trồng chủ yếu là xơ dừa. Thời gian đầu, mình chỉ tưới nước khoảng 350 mm/chậu và tăng dần lên 1 – 1,5 lít/chậu sau khi cây ra hoa kết trái. Nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh bộ lọc để hệ thống tưới nhỏ giọt hoạt động lâu dài và hiệu quả".
Chị Phượng cho biết chỉ nên trồng mỗi chậu chỉ 1 - 2 cây dưa leo vì giống này dễ lây bệnh. "Mình xử lý bằng cách cắt bỏ luôn gốc cây bệnh để tránh lây qua các cây khác. Để dưa leo đạt năng suất cao người trồng nên tiến hành tỉa nhánh cho tới khi thân chính bò lên đỉnh giàn", chị Phượng chia sẻ.
Ước tính, năng suất trung bình vườn dưa leo của chị Phượng đạt khoảng 7 tấn/năm, giá bán lẻ 45.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, hệ thống tưới nhỏ giọt, các giàn treo, chậu, nhà lưới tiếp tục được tái sử dụng ở các vụ trồng tiếp theo nên lợi nhuận năm sau tăng hơn năm trước.
Ngoài quảng bá trên mạng xã hội, chị Phượng còn tích cực giới thiệu nông sản ở các hội chợ thương mại... Chị Phượng nói: "Hiện tại, tôi bán rau, dưa leo chủ yếu qua kênh bán lẻ với các trang mạng xã hội hay các nhóm khách hàng ở khu chung cư cao cấp… trung bình mỗi tháng tôi kiếm được gần 40 triệu đồng".Là người từng giúp đỡ cũng như quản lý về quá trình trồng nông sản của chị Phượng, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM (trực thuộc Hội Nông dân TP.HCM) cho hay: "Phượng rất siêng năng, chịu khó trong quá trình sản xuất. Sau bao năm cố gắng thì vào giữa năm 2023, tất cả mặt hàng rau, dưa leo... đã đạt chuẩn VietGap. Tôi thấy mô hình này không chỉ tạo ra được nông sản sạch, chất lượng mà còn đem lại giá trị cao cho người trồng. Hiện tại, một số hội viên đang tích cực học hỏi cách trồng rau của Phượng để áp dụng làm kinh tế".
Theo TNO