Sáng qua 4.5, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên”.
Nhiều tác động dẫn đến hành vi tự tử
Đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay, PGS-TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, cho biết có khoảng 41.000 người tự tử mỗi năm, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử. Năm 2004, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng đến năm 2014 là nguyên nhân thứ 2. Không những thế, tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tự tử ngày càng gia tăng ở mức báo động.
Tại tọa đàm, nhiều kiến nghị và tranh luận để đưa ra những giải pháp thiết thực nhất trong việc phòng ngừa nguy cơ tự tử NỮ VƯƠNG |
Cũng trong bài tham luận của mình, PGS-TS Trần Thành Nam chỉ ra khi truyền thông đưa tin về tự tử, người tự tử càng nổi tiếng, có ảnh hưởng xã hội thì càng làm gia tăng số vụ tự tử do bắt chước. Đặc biệt, những sai lầm mà mọi người thường nghĩ chẳng hạn như những người nào hay dọa về tự tử sẽ không bao giờ tự tử nhưng sự thật là 80% những người tự tử thành công đã ngầm thông báo về ý định kế hoạch của họ. Nói chuyện với người khác về cảm giác muốn tự tử sẽ thúc đẩy họ tự tử thật, nhưng sự thật là nói chuyện giúp họ được giải tỏa và có cảm giác được lắng nghe, quan tâm…
Chia sẻ về tác động của các yếu tố xã hội lên hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng, Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích cụ thể: “Về yếu tố cá nhân là do thất bại trong chuyện tình cảm, rồi các vấn đề ở trường từ việc bị bắt nạt, trêu chọc đến việc bị điểm kém, đặc biệt bạo lực học đường qua mạng xã hội (bắt nạt trực tuyến). Tiếp cận nhiều với truyện tranh, phim ảnh… thông qua các phương tiện hiện đại, như có những nhóm xuất hiện trên mạng xã hội chỉ để chỉ cách làm thế nào tự sát thành công”.
Trong yếu tố gia đình, thạc sĩ Tùng cho rằng do thiếu sự giao tiếp giữa con cái và cha mẹ, hay cha mẹ nghiện ngập, quan điểm sống khác biệt giữa cha mẹ và con cái trong giáo dục, trong lựa chọn nghề nghiệp…
Làm gì khi biết con có ý định tự tử
Để ngăn chặn nguy cơ tự tử, PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng cần sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp. Cụ thể là nâng cao năng lực nhận thức, cha mẹ, chuyên viên tâm lý trường học phải nhận biết các dấu hiệu về khả năng tự tử. Can thiệp khủng hoảng một cách chuyên sâu, trong thời gian ngắn để làm an dịu và giải quyết khủng hoảng ngay lập tức.
Thạc sĩ - bác sĩ CKI Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý y học Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho rằng khi tiếp cận các trường hợp tự sát cần đánh giá kỹ để có biện pháp xử trí phù hợp.
“Cần đánh giá tình trạng vấn đề tự sát hiện tại của đối tượng chỉ là ý tưởng, ý định hay đã có kế hoạch. Cũng nên lưu ý hỏi về nguồn lực, hy vọng vì đây là một yếu tố trị liệu mà trong đó khơi gợi với họ những nguồn lực của bản thân, nguồn lực xung quanh họ, hay khơi gợi mong muốn được sống vì một ai đó, vì một điều gì đó cũng được”, bác sĩ Thụy Vy chỉ ra.
“Trong kế hoạch này cần đề cập đến những yếu tố kích hoạt, chẳng hạn như đứa trẻ có những vấn đề khi xung đột với cha hoặc mẹ, thì khi thấy 2 người đó thôi, trẻ đã cảm thấy khó chịu liền, nên cũng cần được thảo luận. Những gì làm cho trẻ thoải mái, những địa điểm hay người làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu thì ghi rõ cho trẻ trong bảng kế hoạch này. Cuối cùng, yếu tố rất quan trọng và then chốt trong việc phòng ngừa tự sát là chuyện tách trẻ khỏi các phương tiện gây nguy cơ, các vật dụng gây sát thương”, bác sĩ Thụy Vy khuyên.
Một trong những kiến nghị giải pháp của thạc sĩ Thanh Tùng là cần dạy những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý. Vì hiện nay hầu hết học sinh bị thiếu kỹ năng, nên khi tiếp cận với các yếu tố nguy cơ trên mạng xã hội sẽ không có kỹ năng để chọn lọc. Bên cạnh đó, cũng cần giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học. Cũng như nên cung cấp cho phụ huynh những kỹ năng cần thiết về nuôi dạy con, giao tiếp với con cái…
Anh Trương Nguyễn Khải Phong, giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt vấn đề tại sao không xây dựng hệ thống các chuyên viên tham vấn tâm lý học đường trên nền tảng trực tuyến, để tất cả học sinh không chỉ ở thành phố mà vùng sâu, vùng xa cũng tiếp cận được?
“Ở trên nền tảng trực tuyến đó, chúng ta đưa lên những nghiên cứu sát thực tiễn, những ví dụ cho phụ huynh, cho thầy cô giáo có thể truy cập vào để nhận thấy được vấn đề, những nguy cơ có khả năng ảnh hưởng đến trẻ… Chứ không phải chúng ta ngồi nghiên cứu rồi tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm dành cho các chuyên gia và chỉ có các chuyên gia ngồi nói chuyện với nhau”, anh Phong kiến nghị.
Theo TN