Lan tỏa mô hình cổng trường an toàn giao thông

CTG - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng với tổ chức Đoàn - Hội, các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều mô hình nhằm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Để hành trình đến trường của học sinh được an toàn, mô hình “Trường học an toàn giao thông” tại tỉnh Đắk Lắk đang được nhân rộng.

Nêu cao vai trò gia đình, nhà trường

Chiều 29/10, Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho nhân dân và cung cấp thông tin về trật tự an toàn giao thông giữa cơ quan thông tấn, báo chí, tuyên truyền với lực lượng CSGT Công an tỉnh.

Lan tỏa mô hình cổng trường an toàn giao thông ảnh 1
Đại tá Trần Bình Hưng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk trao đổi tại hội nghị.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh, 10 tháng qua, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản trên 68.600 trường hợp vi phạm, xử phạt 45.400 trường hợp, nộp kho bạc hơn 91,3 tỷ đồng.

Toàn tỉnh xảy ra 351 vụ, làm 230 người chết và 241 người bị thương, hư hỏng 506 phương tiện, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 28 vụ. Trong 351 vụ tai nạn giao thông có 42 vụ tự gây tai nạn, làm 35 người chết, 13 người bị thương.

Đại tá Trần Bình Hưng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk trao đổi, thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh rất cao. Lực lượng công an đã theo dõi ở các trường học thấy một thực trạng, nhiều học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều, chưa có kỹ năng xử lý các tình huống giao thông... Vì thế cần phải đẩy mạnh đa dạng hình thức tuyên truyền, trong đó nêu cao vai trò của gia đình, nhà trường. Đề nghị gia đình, nhà trường phải vào cuộc một cách quyết liệt.

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh, qua phân tích tình hình thực tế, nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn giao thông phần lớn là ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật nói chung và trật tự an toàn giao thông nói riêng còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tác tuyên truyền nhiều lúc chưa kịp thời, chưa đúng đối tượng.

Lan tỏa mô hình cổng trường an toàn giao thông

Theo Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, thời gian qua, các tổ chức Đoàn - Hội trên địa bàn đã phối hợp cùng lực lượng công an tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên và người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Lan tỏa mô hình cổng trường an toàn giao thông ảnh 3

Nhiều chương trình được tổ chức tuyên truyền tới học sinh

Thành Đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp với lực lượng công an, tập trung triển khai xây dựng các mô hình “Thanh niên nói không với ma tuý”, “Chi đoàn 3 không”, “Cổng trường an toàn giao thông”, xây dựng các đội hình “Thanh niên xung kích giữ vững an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý”.... Qua đó, nâng cao nhận thức cho mỗi đoàn viên, thanh niên và nhân dân góp phần đảm bảo ANTT và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, Đoàn phối hợp với công an tổ chức các buổi tuyên truyền ATGT tại các trường học, xây dựng hơn 21 cổng trường về ATGT.

Lan tỏa mô hình cổng trường an toàn giao thông ảnh 4

Thành Đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp với công an tổ chức các buổi tuyên truyền ATGT tại các trường học, xây dựng hơn 21 cổng trường về ATGT.

Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ công an tập trung tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan giúp học sinh chứng kiến các tình huống, biết được đâu là điểm mù, bên cạnh đó nhận ra các lỗi sơ đẳng thường gặp phải, nhằm nâng cao nhận thức của người dân góp phần giảm tai nạn giao thông.

Thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các mô hình “Lắp đặt đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, còi, gương chiếu hậu cho xe máy cày”; phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh các vi phạm hành chính về TTATGT cho lực lượng CSGT để xử lý theo quy định của pháp luật”; thường xuyên tổ chức phát tờ rơi và phát loa lưu động bằng 2 thứ tiếng Kinh và Êđê để tăng cường hiệu quả tuyên truyền.

Theo TP