Những mô hình, điển hình về học tập và làm theo Bác đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai xác định 4 nội dung trọng tâm, đột phá, đó là:
Thứ nhất, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo; trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thứ hai, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ, củng cố, kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đổi mới tác phong công tác theo hướng gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe Nhân dân, thực hiện nói đi đôi với làm; nêu cao tinh thần, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Thứ ba, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trọng tâm là tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nhằm ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời, hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm các vụ việc còn vướng mắc, nổi cộm ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ tư, phát huy vai trò của Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trên cơ sở 4 nội dung trọng tâm, đột phá nêu trên, các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, lựa chọn giải pháp cụ thể; tập trung chỉ đạo việc xây dựng và ban hành các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đầy đủ theo các bước về nội dung toàn khóa và các chuyên đề hằng năm; chỉ đạo cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ " cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh sát thực tiễn, thực chất, đúng tiến độ.
Lan tỏa nhiều cách làm hay, sáng tạo
Thực tiễn trong những năm qua, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác được nhân rộng khắp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Điển hình như tại thành phố Pleiku, theo Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân, cấp thành phố xây dựng được trên 50 mô hình, phong trào, cuộc vận động; cấp cơ sở có 150 mô hình, phong trào, cuộc vận động được nhân rộng ra gần 800 mô hình, phong trào, cuộc vận động, câu lạc bộ… gắn với học tập và làm theo Bác.
Nhiều mô hình hay ở các địa phương như: huyện Krông Pa với mô hình "Tiếng kẻng an ninh" của các thôn, buôn thuộc xã Chư Gu, Chư Drăng; huyện Chư Păh với mô hình "Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu" và "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới"; huyện Ia Grai với mô hình "Nuôi cá lồng bè" ở xã Ia Tô; huyện Kông Chro với mô hình "Nuôi dê cải tạo vườn tạp, nuôi dê xoay vòng của hội viên, nông dân"; huyện Phú Thiện với các mô hình "Cánh đồng một giống đối với cây lúa", "Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn"; huyện Mang Yang với các mô hình "Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách vần công, đổi công", "Gây quỹ cho các hộ vay vốn trong những lúc khó khăn"; thị xã Ayun Pa với mô hình "Cặp tài liệu sinh hoạt chi bộ", "Mỗi ngày tiết kiệm một ngàn đồng để giúp đỡ hộ nghèo"; Bộ đội Biên phòng tỉnh với các mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng", "Nâng bước em đến trường", "Cây lúa nước trên núi"; Binh đoàn 15 xây dựng và nhân rộng hiệu quả mô hình "Làng công nhân nơi biên giới", "Cây lúa xen canh, hũ gạo gắn kết", "Vườn cây Binh đoàn"…
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện nội dung các Cuộc vận động như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số". Liên đoàn Lao động tỉnh phát động, triển khai rộng rãi các phong trào thi đua "Lao động giỏi, sáng tạo"; "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Thi đua dạy tốt, học tốt", phong trào "Xanh - sạch - đẹp". Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh cụ thể hóa các phong trào "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp". Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".
Đảng ủy Quân sự tỉnh với các phong trào "Thi đua quyết thắng", "Xây dựng đơn vị dân vận tốt", "Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo", "Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới". Hội Nông dân tỉnh với phong trào "Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, làm kinh tế giỏi". Hội Cựu chiến binh tỉnh đẩy mạnh hoạt động "Nghĩa tình đồng đội"... đã và đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trên khắp các buôn làng với nhiều cách làm sáng tạo, thực chất, hiệu quả.
Đặc biệt, cấp ủy các cấp chú trọng lãnh đạo và triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về học tập và làm theo Bác bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức in, phát hành tới từng chi bộ cuốn "Giới thiệu một số chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; phát hành "Sổ tay các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW", "Sổ tay các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp"; xuất bản 4 cuốn sách "Người tốt, việc tốt làm theo gương Bác", biểu dương, khen thưởng trên 500 cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, xuất sắc. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng, phát hàng trăm tin, bài trong chuyên mục "Học tập và làm theo gương Bác"; lồng ghép trong chuyên mục "Dân vận khéo", "Chuyện thường ngày", "Gương người tốt - việc tốt" về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thành ủy Pleiku, các huyện ủy: Chư Sê, Đắk Đoa, Kbang, Chư Prông… tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu theo chủ đề tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút sự tham gia của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các đảng bộ cấp huyện vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền, tạo sức lan tỏa việc học và làm theo Bác đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Theo đồng chí Huỳnh Thế Mạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, toàn tỉnh đã đăng ký và xây dựng được 2.575 mô hình trên các lĩnh vực. Việc học và làm theo Bác cùng với những chủ trương, quyết sách của Đảng bộ tỉnh, bằng sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị với những giải pháp thiết thực, cụ thể, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Theo hochiminh.vn |