Làn và luồng hay câu chuyện phân quyền

(CTG) Ngành giao thông đáng tiếc lại không phải là cơ quan duy nhất quản lý đường phố đô thị, đối tượng của cả ngành tài nguyên môi trường, xây dựng, điện, viễn thông, cấp thoát nước, v.v.


Hà Nội đầu tháng 10 nhấm nháp từng đợt mưa lạnh kèm gió bấc trên từng con phố. Cách đó vài ngày là nắng và nóng hầm hập. Lạnh hay nóng thì đường Hà Nội đều đang nóng vì một mối lo chung: hiện tại phân làn và một tương lai hạn chế phương tiện cá nhân.

Cảnh tượng khác lạ của đường Hà Nội có thể nhìn thấy qua nhiều bức ảnh. Giữa tim đường là một đoạn phân cách ngắn cắm biển báo với một viên thanh tra giao thông đứng trước đó. Vào ngày nắng, họ đứng dưới mặt trời chói chang và trong ngày mưa, họ phải khoác thêm bộ áo mưa dã chiến. Trong tay họ không thể thiếu chiếc gậy chỉ huy giao thông lúc nào cũng bận rộn lùa nhóm xe máy này sang lái bên phải hoặc xua chiếc ô tô nọ về làn bên trái. Một công việc vất vả và dường như không nhiều hiệu quả. Ngay cả khi họ hiện diện, đường phố vẫn không tránh khỏi từng luồng xe ào sang phần đường không phải của mình. Điều khác biệt là khi có họ, tấm biển báo làn đường bị xe tông cong queo ít hơn[1].

Làn đường của sự phát triển

Lòng đường ở Việt Nam là nơi mọi loại phương tiện cùng đi: ô tô con, xe tải, xe buýt, mô-tô gắn máy, các loại xe thô sơ không gắn máy, và cả người đi bộ. Môi trường này tạo nên một cảnh tượng độc đáo hiếm thấy được ở các thành phố trên thế giới.


Nhiều ý kiến quan ngại về tính hiệu lực và khả thi của mệnh lệnh phân làn. Đường Hà Nội nhỏ và ngắn, nhiều giao cắt, đa phương tiện. Mật độ dân cư dày đặc, tập quán sinh hoạt manh mún, nơi nhà ở và văn phòng, cửa tiệm kinh doanh chen lẫn lộn vào nhau. Ý thức người dân "vỏ thành thị ruột làng quê", và từ đó văn hoá nhường đường nhau trong cùng một làn còn hiếm, chưa nói tới nhường làn khác. Vấn đề nghiêm trọng không kém là sự thực thi pháp luật chưa đồng nhất, ví dụ trên cùng một ngã tư chiếc xe đời 82 chở bu gà và ông già đội "nồi cơm điện" bị tuýt còi phạt ngay đằng sau đôi nam nữ đầu trần khoe tóc ép vàng trên SH cười giòn lượn qua.

Khi đất nước đang hướng tới việc xây dựng xã hội văn minh, giao thông cũng không thể mượn cớ hạ tầng sập xệ hay ý thức thấp kém để châm chước cho tình trạng hỗn loạn. Giống như trong thể thao, để đi tới đích phát triển, bóng đá cần sân cỏ, điền kinh cần đường pít, dù cả hai ở cùng trong một không gian sân vận động.

Thiếu đường riêng cho từng loại phương tiện, tình trạng danh thủ bóng đá Hồng Sơn vừa chạy vừa tâng bóng song song hoặc cắt chéo bước nước rút của nữ hoàng điền kinh Vũ Bích Hường sẽ tiếp tục là một thách thức với phát triển.

Làn đường của thẩm quyền

Khi nhậm chức, người đứng đầu ngành giao thông đã đưa ra một phát ngôn đầy khí phách, ngay lập tức trở nên nổi tiếng, về sự toàn quyền trong chỉ đạo điều hành của ngành này. Công chúng có thể cảm nhận việc hạn chế phương tiện cá nhân, trước tiên là xe máy, là hành động đầu tiên cụ thể hoá quyết tâm nói trên.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn hệ thống hạ tầng của Việt Nam, câu chuyện trở nên rất phức tạp. Mỗi con đường đều gắn với những kiến trúc và công trình xung quanh, thậm chí cả trên và dưới nó. Ngành giao thông đáng tiếc lại không phải là cơ quan duy nhất quản lý đường phố đô thị, đối tượng của cả ngành tài nguyên môi trường, xây dựng, điện, viễn thông, cấp thoát nước, v.v.



Lạnh hay nóng thì đường Hà Nội đều đang nóng vì một mối lo chung: hiện tại phân làn và một tương lai hạn chế phương tiện cá nhân.


Một ví dụ là ngã tư đau khổ Thái Hà-Chùa Bộc, nơi vừa được chỉ đạo xây cầu vượt, đang có gần chục toà nhà đang mọc lên nay mai. Điều đáng lưu ý là đa số các bất động sản đắt giá này có nguồn gốc chuyển đổi từ đối tượng quản lý của nhiều đơn vị nhà nước.

Theo UBND Hà Nội, thủ đô chỉ có 7-8% diện tích cho giao thông, so với mức 20% trung bình trên thế giới. Diện tích đường tăng không nổi (vì thiếu đất công làm đường khiến giải phóng mặt bằng tốn kém!), trong khi diện tích công trình dân dụng và thương mại nằm dọc con đường gia tăng áp lực không ngừng nghỉ lên đường xá, bài toán giao thông sẽ khó có thể chỉ được giải bằng những biện pháp dường như thô sơ như phân làn ô tô - xe máy.

Tại Sài Gòn, cách đây chưa lâu, người ta từng mất cả tiếng trên con đường từ trung tâm tới sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng thời gian này, người Hà Nội di chuyển được từ Hồ Gươm tới sân bay Nội Bài cách đó 35km. Nguyên do của tốc độ rùa nói trên là chuỗi lô cốt dài dằng dặc của các dự án cấp thoát nước, đối tượng không chỉ thuộc thẩm quyền của ngành giao thông.

Nhắc tới sự thiếu vắng một làn đường rõ ràng cho thẩm quyền, người ta lại nhớ tới lời phát biểu ngậm ngùi của một cựu bộ trưởng về trách nhiệm của ngành y tế với vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ giới hạn được trong mâm cơm của gia đình, còn chu trình trước đó thuộc về các cơ quan khác. Nếu ngành giao thông không làm việc với các ngành khác để ra được một quy hoạch thẩm quyền trong quản lý đô thị, triển vọng của quyết tâm giảm ùn tắc trầm kha ở hai thành phố lớn nhất nước có lẽ đáng quan ngại không kém chuyện bữa cơm trên đây.

Giữa bụi nồng nực trưa nắng hay bùn nhớp nháp chiều mưa thì những người thanh tra giao thông vẫn cặm cụi đứng làm mốc trên những con đường bị phân làn. Có lẽ ít người trong số họ biết rằng toà cao ốc đang phủ bóng râm trong đôi phút quý báu lên chỗ họ đứng mới là nguyên nhân trầm trọng nhất của con đường đang tắc.


Theo Tuần Việt Nam