Chiều 27.8, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB-XH.
Chủ trì buổi làm việc có thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn khảo sát số 1; ông Lê Tấn Dũng, Phó bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH. Cùng dự, có anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN.
Trong 10 thanh niên thì có một người bị thất nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc, thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết năm 2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và 10 năm thực hiện Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết. Dịp này, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo T.Ư làm việc với Bộ LĐ-TB-XH về kết quả thực hiện Nghị quyết số 25 đối với chuyên đề về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Báo cáo tại buổi khảo sát, ông Đỗ Năng Khánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐ-TB-XH, cho biết trong những năm qua, mặc dù quy mô đào tạo tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của VN. Đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp; tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra.
Ông Khánh cũng cho biết thanh niên là lực lượng lao động trẻ có tiềm năng lớn, là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động VN. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) quý 2/2024 là 8,01%, cao gấp 3,49 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,29%). Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế: đến năm 2021, chỉ có 29,3% thanh niên (15 - 29 tuổi) đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, mặc dù có cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể.
Ông Khánh cũng cho biết quy mô lao động thanh niên (15 - 29 tuổi) có việc làm có xu hướng giảm cả về số lượng và tỷ trọng. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15 - 24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế VN; gần 1/3 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi; trong 10 thanh niên thì có một người bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Cần xây dựng nhóm giải pháp mới
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản đồng ý với báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH và nêu một số vấn đề cần quan tâm đưa ra giải pháp trong tình hình mới, trong đó có giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên xuất ngũ, thanh niên sau cải tạo; tình trạng đào tạo nghề cho thanh niên…
Nêu ý kiến tại hội nghị, anh Nguyễn Tường Lâm cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp là một hạn chế rất quan trọng đã được đưa ra trong đánh giá thực hiện nghị quyết trước đây. Báo cáo của Bộ cũng đã nêu về việc thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thiếu kỹ năng mềm, nên tỷ lệ thất nghiệp cao.
"Báo cáo nên đánh giá thêm về tác động của cuộc cách mạng 4.0. Đây là cuộc cách mạng ra đời năm 2013, sau 11 năm đã tác động đến việc đào tạo nghề như thế nào. Đào tạo nghề đã chuyển đổi như thế nào, có đáp ứng được nhu cầu hay không và thích ứng ra sao?", anh Lâm đặt vấn đề.
Anh Lâm cũng cho biết thanh niên còn khó khăn trong việc vay vốn tự tạo việc làm do phải thế chấp tài sản và lãi suất cao. Vì vậy, cần kiến nghị có giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho thanh niên trong việc này. Nếu Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới thì Bộ LĐ-TB-XH cần xây dựng nhóm giải pháp mới giải quyết việc làm cho thanh niên. Trong đó, cần xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về xu hướng nghề nghiệp việc làm. Muốn đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, phải dự báo được nhu cầu.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Tấn Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, ông Dũng đề nghị nên có nghị quyết mới để có giải pháp mới giải quyết tốt hơn những vấn đề về thanh niên do sau 15 năm tình hình đã có nhiều thay đổi.
Kết luận buổi khảo sát, thượng tướng Trần Quốc Tỏ đánh giá cao báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH với nội dung cụ thể, chất lượng, thiết thực; đánh giá cao các ý kiến phát biểu của đoàn khảo sát và các đại biểu của Bộ LĐ-TB-XH. Ông Tỏ đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cần tiếp thu trực tiếp ý kiến và bổ sung để báo cáo của Bộ hoàn chỉnh hơn. Đoàn khảo sát cũng tiếp thu ý kiến của Bộ và các đại biểu để tham mưu xây dựng báo cáo tổng kết đạt kết quả tốt.
Trong thời gian tới, ông Tỏ mong muốn Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH căn cứ vào Nghị quyết 25 và Kết luận 80 trên cơ sở chức năng, thẩm quyền, phát huy thành quả đạt được, đưa ra giải pháp tiếp tục thực hiện tốt hơn nghị quyết này.
Theo TN