Sáng 16/5, T.Ư Đoàn tổ chức Tọa đàm "Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi hiện nay" nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi và cộng đồng về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe của giới trẻ.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Bảo Anh |
Tham gia Tọa đàm, đại diện T.Ư Đoàn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital, Tổ chức Y tế thế giới WHO, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã chia sẻ, trao đổi về tác hại và những khuyến nghị về giải pháp liên quan đến việc sử dụng đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi.
Các chuyên gia cho rằng, hiện thanh thiếu nhi dễ dàng tiếp cận, sử dụng đồ uống có đường ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào và chỉ có một số ít gia đình kiểm soát việc sử dụng đồ uống có đường.
|
Sự hấp dẫn của đồ uống có đường đã đánh trúng vào sở thích, thị hiếu của đa số thanh thiếu nhi và nhanh chóng tạo ra sự thiếu kiểm soát khi sử dụng, dẫn tới những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thế hệ trẻ.
PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Hoá sinh và chuyển hoá dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, việc uống nước ngọt mỗi ngày dù chỉ một lon có thể khiến bạn nạp vào cơ thể 30–40g đường tự do – vượt mức khuyến nghị hằng ngày của WHO là 25 gam. Điều này gây tác hại cả về trước mắt và lâu dài, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như béo phì, đái tháo đường, sâu răng, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa...
GS.TS Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Hoá sinh và chuyển hoá dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Bảo Anh |
PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền khuyến cáo thanh thiếu niên nên hạn chế tối đa tiêu thụ đường, và nếu có dùng thì không nên tiêu thụ quá 25 gam đường tự do mỗi ngày (tương đương 6 thìa cà phê). Con số này bao gồm các loại đường tự do (đường đơn, đường đôi) đến từ chế độ ăn của chúng ta như đường có sẵn trong mật ong, xi rô, nước ép trái cây và nước trái cây cô đặc…, các thực phẩm, đồ uống có chứa đường bổ sung thêm vào trong quá trình sản xuất và đường được thêm vào trong chế biến các món ăn hằng ngày.
|
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia Phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, việc giáo dục về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi là rất cần thiết, đặc biệt trong môi trường hiện nay, rất nhiều thực phẩm sử dụng đường đánh trúng vào thị hiếu, sở thích của đa số thanh thiếu nhi.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia Phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Bảo Anh |
"Giáo dục về sức khỏe nên bắt đầu càng sớm càng tốt – lý tưởng là từ lứa tuổi tiểu học. Đây là giai đoạn hình thành thói quen lâu dài. Khi trẻ được trang bị kiến thức đúng từ nhỏ, các em sẽ dễ dàng hình thành lối sống lành mạnh, giảm dần sự lệ thuộc vào các sản phẩm có đường”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nói.
ĐVTN đặt câu hỏi giao lưu với các diễn giả. Ảnh: Bảo Anh |
Anh Cù Đức Quân, Ủy viên BCH, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn cho biết, trong những năm qua, Trung ương Đoàn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ; tích cực triển khai, tổ chức các chương trình, hoạt động, tạo môi trường trong chăm lo, đồng hành nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất cho thanh thiếu nhi… Nhiều hoạt động đã mang lại dấu ấn tích cực, lan tỏa sâu rộng trên phạm vi cả nước, được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi hưởng ứng, góp phần xây dựng thế hệ trẻ trong tương lại mạnh khỏe, phát triển toàn diện.
Anh Cù Đức Quân, Ủy viên BCH, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Bảo Anh |
"Trong thời gian sắp tới, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức y tế để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới trẻ đối với tác hại của đồ uống có đường, góp phần tạo ra một thế hệ trẻ khỏe mạnh, chủ động, tự tin và tích cực”, anh Quân nhấn mạnh.
KA