Lợi bất cập hại từ những chính sách lãi suất “sáng tạo”

(CTG) Chính sách cạnh tranh trong thu hút vốn tiền gửi của các ngân hàng hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cho toàn hệ thống. Bản thân các ngân hàng cũng thấy được thách thức đó nhưng, thật khó để họ tự mình tách ra được. Cần đến vai trò của bên thứ ba là ngân hàng Nhà nước.



Các ngân hàng tham gia vào cuộc đua lãi suất một phần nhằm đảm bảo yêu cầu thanh khoản tối thiểu cho quá trình hoạt động, mặc dù nguyên nhân đằng sau ở từng đơn vị có thể khác nhau. Họ đã nới lỏng quá mức các chính sách về lãi suất cũng như các điều khoản ưu đãi cho khách hàng nhằm thu hút, níu kéo hay giữ chân khách hàng. Việc này vô hình trung đã đẩy họ vào một trạng thái cân bằng bất lợi, có thể tạo thêm áp lực lớn hơn cho rủi ro thanh khoản nối tiếp.

Một trong những nới lỏng của các ngân hàng hiện nay là việc cho phép khách hàng được rút tiền trước hạn so với kỳ hạn đã cam kết gửi. Trước đây, chính sách của nhiều ngân hàng là đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn, nếu rút trước hạn sẽ bị xem như gửi không kỳ hạn và phải chịu mức lãi suất thấp hơn so với mức mà ngân hàng cam kết (thường là lãi suất tiền gửi không kỳ hạn). Chính sách này đặt khách hàng vào tình thế phải cân nhắc thiệt hơn để lựa chọn: hoặc rút trước hạn – chấp nhận mức lãi suất thấp hoặc tiếp tục gửi để hưởng trọn lãi suất.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu như các chính sách này của ngân hàng không còn nữa mà thay vào đó thường là tính lãi trên số kỳ thực gửi. Khách hàng sẽ có động cơ chọn một kỳ hạn nào đó có mức lãi suất hấp dẫn nhất rồi dễ dàng rút ra để chuyển sang một kỳ hạn khác hoặc gửi vào ngân hàng mới có mức lãi hấp dẫn hơn mà hầu như không chịu thiệt hại gì cả. Như vậy, các ngân hàng đã tự đặt mình vào một trạng thái hết sức bị động khi huy động và sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, các khoản tiền gửi với những điều khoản trả lãi cũng bị biến dạng đi rất nhiều, sẽ gây khó khăn không kém cho công tác quản lý vốn và việc thiết kế chính sách lãi suất của bản thân ngân hàng.

Chẳng hạn, việc trả lãi trước cho người gửi tiền là một sự “sáng tạo” vô lý. Giả sử một khách hàng mang 100 triệu đồng đến gửi với mức lãi suất 12% một năm, trả lãi trước. Không lẽ trong trường hợp này khách hàng ôm 12 triệu đồng tiền lãi mang về? Điều này đâu khác gì họ thực gửi 88 triệu đồng mà vẫn hưởng đủ 12 triệu đồng lãi trong một năm. Thông thường, khách hàng sẽ tái gửi 12 triệu đồng tiền lãi đó, và cứ như vậy, tính ra lãi suất thực đã lên đến 13,64% một năm. Chính sách trả lãi này tạo ra mức lãi suất hiệu dụng cao nhất và thường được các ngân hàng áp dụng khi muốn lách một mức trần lãi suất nào đó.

Tương tự như vậy, việc trả lãi định kỳ cũng làm cho lãi suất tiền gửi thực tế cao hơn danh nghĩa. Chẳng hạn nếu lãi suất tiền gửi danh nghĩa 12% một năm trả lãi định kỳ hàng tháng thì tính ra lãi suất thực cũng lên đến 12,68% một năm, trả hàng quý cũng là 12,55% một năm. Trả lãi định kỳ gần như không khác mấy so với rút tiền linh hoạt nhưng vẫn lĩnh lãi đủ trên số kỳ thực gửi (trả lãi khi rút tiền), chỉ khác là lãi suất thực cao hơn.

Cần xây dựng quy chế và chính sách tiền gửi một cách minh bạch, rõ ràng và thống nhất. Trong đó, cần phải có những tiêu chí cụ thể để định nghĩa và phân loại các khoản tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và cả những biến thể của nó.

Một số ngân hàng đưa ra chính sách giảm trừ một tỷ lệ phần trăm nhất định trên mức lãi suất cam kết tuỳ theo thời hạn đã thực gửi. Chẳng hạn nếu số ngày thực gửi lớn hơn 50% kỳ hạn thì được hưởng 80% mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn đó, còn nếu nhỏ hơn 50% thì được hưởng 50% mức lãi suất. Thực ra chính sách này không có ý nghĩa gì cả khi mức lãi suất ở các kỳ hạn ngắn và dài bằng nhau như hiện nay.

Các ngân hàng đang cần vốn khả dụng để đáp ứng yêu cầu thanh khoản và nhu cầu vốn ngắn hạn cuối năm nên lãi suất ở các kỳ hạn ngắn được đẩy lên cao ngang với các kỳ hạn dài. Thực tế “ngang bằng” này tạo động cơ cho người gửi tiền chọn kỳ hạn ngắn do vừa được hưởng mức lãi suất hiệu dụng cao hơn, vừa có tính linh hoạt và chủ động hơn trong việc rút tiền để chuyển sang ngân hàng khác khi lãi suất ở đó tốt hơn. Cả nền kinh tế như bị đặt vào tình thế phải đi “ăn đong” từng ngày. Người đi vay, người gửi tiền và trung gian ngân hàng cũng thấy lợi ích chung ngắn hạn.

Vai trò của ngân hàng Nhà nước trong điều kiện này là phải ban hành ngay một văn bản pháp lý nhằm yêu cầu các ngân hàng xây dựng lại quy chế và chính sách tiền gửi một cách minh bạch, rõ ràng và thống nhất. Trong đó, cần phải có những tiêu chí cụ thể để định nghĩa và phân loại các khoản tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và cả những biến thể của nó một cách rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có một quy chế hướng dẫn về cách tính lãi đối với các loại tiền gửi khác nhau để có thể áp dụng một cách thống nhất giữa các ngân hàng. Nguyên tắc phải là tiền gửi có kỳ hạn có thể được rút trước hạn nhưng phải thông báo trước một thời hạn nhất định tuỳ theo quy mô khoản tiền muốn rút. Khoản tiền rút càng lớn thì thời hạn thông báo trước cho ngân hàng phải càng dài. Đồng thời, khi rút trước hạn khách hàng phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn tính cho giá trị khoản tiền rút. Trong trường hợp lãi đã trả định kỳ theo mức lãi suất kỳ hạn đã ấn định trước đó thì ngân hàng cần khấu trừ phần chênh lệch lãi vào số tiền gốc của khách hàng.

Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn ở Mỹ những năm trước cho thấy nền tảng pháp lý cho hoạt động của thị trường tài chính quan trọng như thế nào. Sự sáng tạo của thị trường tài chính mà sản phẩm là các chứng khoán phái sinh đi quá xa so với những giới hạn pháp lý có thể mang lại một sự đổ vỡ hết sức tốn kém. Những biến dạng trong các khoản tiền gửi mà các ngân hàng tạo ra hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không khác. Cần có khuôn khổ pháp lý chung để có thể thống nhất quản lý. 


Theo Sài Gòn Tiếp Thị