Lớp học aerobic trả phí bằng… nụ cười

CTG - Cứ 16 giờ thứ bảy hằng tuần, căn phòng nhỏ tại Trung tâm huấn luyện TDTT TP.HCM (Q.11) lại rộn rã tiếng nói cười và những giai điệu âm nhạc vui tươi. Đó là lớp học aerobic 0 đồng dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển và mắc hội chứng Down.

Lớp học đặc biệt

Đến lớp học aerobic đặc biệt này vào một buổi chiều cuối tháng 7, mặc dù chưa đến giờ vào lớp nhưng nhiều em nhỏ và phụ huynh đã có mặt. Không có trống cũng chẳng cần chuông báo, khi tiếng nhạc được bật lên là các em nhanh chóng vào vị trí của mình và nhảy theo điệu nhạc.

Lớp học aerobic trả phí bằng… nụ cười - Ảnh 1.
 

Lớp học aerobic miễn phí dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển và mắc hội chứng Down ở TP.HCM

Thảo Phương

"Đó là sự tiến bộ rõ nhất của các em. Vì những ngày đầu đến lớp có nhiều em rất sợ đám đông và tiếng ồn, các em không làm chủ được hành vi của mình, cứ lầm lì không chịu làm theo. Để lớp học ổn định thế này là cả một quá trình nỗ lực của chính bản thân các em, của HLV và cả sự sát cánh của những bậc phụ huynh", chị Quách Mỹ Oanh, người khởi xướng thành lập lớp học, cũng là HLV chính của lớp, chia sẻ.

Theo chị Oanh, lớp học aerobic miễn phí này đi vào hoạt động từ tháng 8 năm ngoái. Thời gian đầu chỉ có khoảng 10 em tham gia nhưng bây giờ các em đã đứng chật kín phòng. "Hiện tại có khoảng hơn 30 em, nhỏ nhất là 7 tuổi, lớn nhất là 38 tuổi. Mỗi em có một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Thông thường lớp học kéo dài khoảng 1 tiếng nhưng có nhiều hôm thấy các em vui quá, nên tôi cứ dạy lố giờ, có khi gần 18 giờ mới kết thúc buổi học", chị Oanh nói.

Mục đích của lớp học là nhằm tạo môi trường để khuyến khích các em được giao tiếp xã hội, thúc đẩy trách nhiệm và tự nhận thức về hành vi của bản thân. Ngoài ra, các hoạt động này cũng có thể hỗ trợ phục hồi chức năng vận động, giác quan và giao tiếp cho những trẻ tự kỷ.

Lớp học aerobic trả phí bằng… nụ cười - Ảnh 2.

Phụ huynh đồng hành cùng con trên hành trình đi tìm niềm vui

THẢO PHƯƠNG

Công việc chính là một HLV thể dục thẩm mỹ, tự tin vì đã theo nghề 20 năm nay, thế nhưng khi làm HLV cho lớp học đặc biệt này, chị Oanh gặp không ít khó khăn. "Tuy chỉ là những động tác đơn giản nhưng để các em làm theo được là một quá trình dài. Phải nắm tay chỉ từ từ cho từng em. Bản thân mình phải nhún nhảy, hô hào lên để truyền tải năng lượng vui vẻ và hứng thú. Vì nếu các em không thích thì sẽ không bao giờ làm theo, mà có những hành động phản kháng lại ngay", chị Oanh chia sẻ.

Khi được hỏi tại sao khó khăn, vất vả thế mà chị vẫn gắn bó với lớp học này? Chị Oanh ngừng lại một hồi rồi kể: "Thật ra con trai tôi cũng mắc hội chứng tự kỷ giống như các em ở đây nên tôi xem tụi nhỏ như con vậy. Mà đã là mẹ thì không gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy các con tiến bộ hơn mỗi ngày, dù đó chỉ là sự tiến bộ rất nhỏ".

Cùng con trên hành trình đi tìm niềm vui

Mặc dù nói chuyện khá khó khăn khi phát âm không rõ nhưng điều luôn hiển hiện trên gương mặt của chàng trai Anh Tú (20 tuổi) là nụ cười rạng rỡ. Khi được hỏi em học có vui không? Tú cười rồi đáp: "Em rất vui. Nhảy mệt nhưng được gặp bạn bè, được chơi nên em rất thích đi học".

Anh chàng Chí Thiện (17 tuổi) cũng không ngừng mỉm cười suốt buổi học. Khi được hỏi thăm, Thiện lễ phép nói với chúng tôi rằng: "Em rất thích đi học. Đi học có nhiều bạn, có sức khỏe để khỏi bị đau".

Nhà chỉ có một đứa con, thế nhưng không may khi con mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển, hằng tuần, bà Lê Thị Ngọc Nguyệt (53 tuổi), ngụ H.Bình Chánh, chạy xe gần 1 giờ đồng hồ để đưa con trai đến lớp học đặc biệt này.

 

Bày tỏ nỗi lòng của một người mẹ, bà Nguyệt xót xa nói: "Làm cha làm mẹ ai không muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường nhưng số phận đã như vậy thì phải chịu thôi. Giờ mình đâu thể bỏ mặc con được, nên ai giới thiệu lớp học nào có thể giúp con tiến bộ là tôi lại tìm đến, không ngại đường sá xa xôi".

Hình ảnh người mẹ này cứ kề cận bên con, sự lo lắng và suy tư luôn hiển hiện qua ánh mắt của người phụ nữ này. Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ ở trong lớp, nụ cười hiếm hoi trên gương mặt bà Nguyệt là khi con trai phấn khích làm theo động tác của cô giáo. "Mặc dù con chưa tự giác nhưng có tiến bộ hơn ngày mới vào. Ngày đầu tiên nó khóc, la, không chịu vào lớp, tôi bất lực vô cùng. Nhưng tự nhủ phải kiên trì để giúp con tiến bộ được chừng nào thì mừng chừng nấy. Cũng may từ hồi học ở đây, về nhà cháu nó giảm bớt những hành vi lạ", bà Nguyệt bày tỏ.

Không chỉ riêng bà Nguyệt, đó cũng là nỗi lòng của những bậc làm cha mẹ khi có con rơi vào trường hợp như thế. Khi chứng kiến hình ảnh những phụ huynh mái tóc đã bạc trắng nhưng vẫn kề cận bên con, giúp con tập từng động tác và miệng thì không ngừng khích lệ, động viên… khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

Theo TNO